Những “bông hoa” của đất

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:16, 17/08/2018

(HNM) - Vẫn là những tấc đất cằn cỗi, vùng ao, đầm lầy lội... nhưng với những người nông dân cần cù, năng động, sáng tạo, đã biến thành những “tấc vàng” và mở ra cơ hội có thêm việc làm, thu nhập cho nhiều lao động thôn quê. Ở Hà Nội không thiếu những người nông dân thu tiền tỷ từ vùng đất khó như thế.



Những tỷ phú trên vùng đất khó

Từng được coi là “rốn nước” của cả vùng, xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) giáp ranh với 2 huyện: Phú Xuyên, Ứng Hòa, thường phải chịu cảnh "chưa mưa đã úng" nên việc trồng cấy rất khó khăn. Vậy nhưng, hiện nay vùng đất này đã thay đổi khi cả cánh đồng của thôn Từ Châu, xã Liên Châu được phủ kín bởi màu xanh của nhãn, bưởi, của những ao nuôi ếch thương phẩm giá trị cao… Trong số đó phải kể tới trang trại của anh Nguyễn Văn Huynh với diện tích 3ha được quy hoạch khoa học, khép kín nhằm tận dụng tối đa diện tích đất, mặt nước để trồng cây ăn quả, thả cá và nuôi ếch thương phẩm... Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh Huynh hồ hởi nói: “Cánh đồng này trước đây cấy được 2 vụ lúa nhưng vụ mùa không "chắc ăn" vì năm nào cũng bị úng ngập. Từ năm 2006, tôi là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế trang trại. Hiện, tôi đã quy hoạch tổ chức sản xuất 4 ao cá thương phẩm và 1 ao cá giống, còn lại xây trại nuôi ếch, trồng vài trăm cây nhãn, bưởi… Năm 2017 vừa qua, gia đình tôi đã thu về 1 tỷ đồng từ mô hình này”.

Cán bộ hội viên nông dân thăm mô hình trang trại của hộ anh Nguyễn Văn Huynh ở xã Liên Châu, huyện Thanh Oai.


Cũng như huyện Thanh Oai, trong những năm qua, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Nông dân huyện Mỹ Đức phát triển mạnh mẽ. Từ phong trào này, xuất hiện ngày càng nhiều hội viên biết khai thác và phát huy tiềm năng đất đai để phát triển sản xuất với quy mô lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tạo diện mạo nông thôn mới cho huyện.

Tiêu biểu là anh Nguyễn Văn Hanh ở thôn Chân Chim (xã Phúc Lâm) nổi tiếng làm giàu từ chăn nuôi lợn. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, anh Hanh luôn trăn trở phải tìm cách để cải thiện cuộc sống. Năm 2001, rất may anh được xã Phúc Lâm cho đi học sơ cấp chăn nuôi, thú y ngắn hạn do huyện tổ chức. Hoàn thành khóa học, anh bắt tay vào chăn nuôi lợn. Vậy nhưng, cơ hội chỉ thực sự đến khi năm 2008, xã có chủ trương khuyến khích phát triển mô hình trang trại chăn nuôi. Anh đã mạnh dạn đấu thầu đất ruộng ở xứ đồng, xấu vào loại nhất, nhì của địa phương để làm trang trại chăn nuôi lợn Minh Phú thuộc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Mỹ Hà, quy mô hơn 1ha với 5 chuồng nuôi, diện tích 5.000m2. Trang trại được anh bố trí khoa học, bài bản, có hầm bioga bảo đảm vệ sinh môi trường, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Hiện nay, trang trại của anh có khoảng 150 con lợn nái, 80 con lợn đực khai thác tinh và hàng nghìn con lợn thương phẩm... Doanh thu mỗi năm từ trang trại vài tỷ đồng, đồng thời, tạo việc làm cho 14-20 lao động với mức lương 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Nếu như anh Huynh, anh Hanh trở thành tỷ phú từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt thì anh Nguyễn Văn Thuận ở xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) lại đi lên từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Với quy mô 1ha, anh Thuận mạnh dạn đầu tư 6 tỷ đồng để trồng rau trong nhà lưới, nhà kính. Trước khi bắt tay xây dựng mô hình, anh Thuận đã tìm hiểu và nhận thấy, các mặt hàng như rau, hoa, củ, quả miền Bắc trái vụ hoặc rau trồng chất lượng cao giá luôn rất đắt đỏ và không lo “đầu ra”... Từ đó, anh nung nấu ý định trồng rau quả theo hướng công nghệ cao từ các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như: Hà Lan, Israel... Sau khi có vốn kiến thức, anh cùng bạn bè huy động được 6 tỷ đồng san lấp mặt bằng, xây dựng nhà kính, trồng rau, hoa quả. Khác với tư duy làm nông nghiệp theo kiểu “mùa nào thức nấy”, anh Thuận làm nông nghiệp trái vụ và các loại rau đặc sản... Theo anh Thuận, hướng đi này đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng hiện đại nên "được giá" và tiêu thụ ổn định; đồng thời, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương...

Lan tỏa những “hạt giống vàng”


Trên đây chỉ là 3 trong hàng nghìn nông dân trên địa bàn thành phố làm giàu từ những vùng đất khó. Chia sẻ với chúng tôi, những người nông dân như anh Hanh, anh Thuận, anh Huynh đều khẳng định: Trong 10 năm qua, nhờ công tác dồn điền đổi thửa của các địa phương và được thành phố quan tâm đầu tư hạ tầng mà nông dân có điều kiện để nghĩ, để làm và nhờ đó mà bứt phá, thu trái ngọt. “Việc lựa chọn những xứ đồng xa, xấu để đầu tư không phải là “canh bạc được chăng hay chớ”, mà lại là cơ hội tích tụ đất đai quy mô, phù hợp với đầu tư bài bản để có lãi...” - anh Nguyễn Văn Huynh tự tin chia sẻ.

Trong buổi làm việc mới đây với UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nền nông nghiệp Hà Nội phải là nông nghiệp dẫn dắt, nông nghiệp đầu tàu, nông nghiệp lan tỏa, không chỉ ở vùng Thủ đô mà còn là trung tâm Đồng bằng sông Hồng và mang tầm quốc tế. Những người nông dân sinh ra từ ruộng đồng, họ hiểu đồng ruộng quê hương mình trồng cây gì, nuôi con gì để có lợi nhất. Khi nông dân sẵn sàng bỏ tiền tỷ để đầu tư công nghệ cao, làm ăn bài bản thì cần nhiệt tình ủng hộ trên các phương diện như tích tụ đất đai, vốn vay, xây dựng thương hiệu nông sản... bởi họ chính là những hạt nhân tích cực tạo nên nền nông nghiệp Thủ đô như kỳ vọng.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Lê Trọng Khuê, trong những năm qua, thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích để nông dân phát triển kinh tế. Từ đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã lan tỏa ở nhiều địa phương. Hiện, Hà Nội đã có hàng nghìn mô hình nông dân làm kinh tế giỏi với mức lãi từ 500 triệu đồng đến 3 tỷ đồng/năm; đã có 123 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do nông dân làm chủ. Những người nông dân làm giàu từ đất xứng đáng được gọi là những "bông hoa" của đất. Điều đáng trân trọng hơn là, tuy làm kinh tế giỏi, nhưng họ không giữ cho riêng mình mà tận tình chia sẻ với bà con trong và ngoài địa phương. Đây thực sự là những nhân tố làm thay đổi cách nghĩ, cách làm nông nghiệp, mở ra nhiều hướng đi mới để bà con làm giàu ngay tại đồng đất quê hương, góp phần xây dựng Thủ đô xứng đáng là “đầu tàu” của cả nước trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Bạch Thanh