Ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh
Kinh tế - Ngày đăng : 06:50, 17/08/2018
Bên cạnh thiệt hại về kinh tế, các vùng ngập úng đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh. Để ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Chương Mỹ Nguyễn Thị Hằng cho biết: Do thời gian ngập úng kéo dài, cộng với điều kiện chăm sóc không bảo đảm, vật nuôi dễ sinh bệnh, nhiều hộ lựa chọn phương án bán tháo đàn; một số hộ khác vẫn duy trì chăm sóc. Cùng với việc vớt xác động vật, đưa đi tiêu hủy; rắc vôi, phun thuốc diệt trùng chuồng trại... cán bộ thú y tại các xã theo sát diễn biến từng ngày của đàn vật nuôi để có biện pháp can thiệp kịp thời. Hiện, hoạt động tiêm phòng cho đàn vật nuôi của các xã bị ngập úng được đặt lên hàng đầu.
Tại huyện Mỹ Đức, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Lê Hải Hồng, ngay sau khi nước rút, huyện khuyến khích các trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn bị ngập úng tổ chức thu gom tôm, cá còn sót lại; đồng thời tiến hành xử lý môi trường, rắc vôi bột, hóa chất diệt khuẩn, cải tạo ao hồ, chuồng trại và sớm khôi phục sản xuất khi thời tiết ổn định...
Ông Đoàn Hồng Phong, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội khuyến cáo, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát; không mổ thịt gia súc, gia cầm chết; cấm vứt xác gia súc, gia cầm chết xuống ao hồ, sông ngòi bởi dễ phát sinh lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Khi phát hiện xác động vật chết do mưa lũ, người dân cần báo ngay với chính quyền địa phương để tiến hành thu gom, cho vào bao tải có lót ni lông, buộc kín, phun hóa chất, vận chuyển đến địa điểm tiêu hủy.
Theo dự báo thời tiết, trong những ngày tới, tình hình mưa bão sẽ còn diễn biến phức tạp. Do vậy, ngoài việc chủ động kiểm tra, hướng dẫn các giải pháp khắc phục hậu quả đối với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các địa phương tiếp tục kiểm tra chuồng trại, sẵn sàng ứng phó với các tình huống ngập úng xảy ra. Trong đó, với các vùng nuôi trồng thủy sản, cần rút bớt nước trong các ao nuôi, gia cố bờ kè. Đối với các trang trại chăn nuôi lớn, người dân cần chủ động có kế hoạch di dời đàn vật nuôi đến nơi an toàn khi cần thiết. Bên cạnh việc đưa ra các biện pháp chủ động ứng phó với mưa bão, ngành Nông nghiệp Hà Nội phối hợp tích cực với các địa phương tiến hành rà soát, thống kê cụ thể các mức thiệt hại do mưa lũ gây ra, bảo đảm kê khai đúng đối tượng để tham mưu với UBND thành phố có biện pháp hỗ trợ công khai, kịp thời.
“Cùng với kiểm tra, hướng dẫn nông dân biện pháp kỹ thuật ứng phó với mưa lũ, Sở đã liên hệ với cơ sở, đơn vị cung ứng giống vật nuôi, thủy sản trên địa bàn thành phố tập trung sản xuất giống, hạ giá bán để hỗ trợ người chăn nuôi; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, theo dõi các yếu tố môi trường, sức khỏe của đàn vật nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời” - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định.