Chủ động khi nhập siêu tái hiện
Kinh tế - Ngày đăng : 06:59, 17/08/2018
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm 2018 đạt 133,69 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khối doanh nghiệp trong nước duy trì được mức tăng cao là 18,7%, trong khi khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ tăng 14,9% và trở thành nguyên nhân chính khiến xuất khẩu của tháng 7 bất ngờ giảm tốc so với các tháng trước, chủ yếu là giảm xuất khẩu một số mặt hàng quan trọng như điện thoại, dệt may, điện tử...
Đây là sự “đổi ngôi” đột ngột bởi từ trước đến nay khu vực đầu tư nước ngoài thường có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn doanh nghiệp trong nước. Thực tế này là đáng ngại vì khu vực nước ngoài luôn chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của cả nền kinh tế.
Vấn đề tiếp theo cần quan tâm là, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã chậm lại, với kim ngạch là 19,5 tỷ USD, tăng trên 24,7% so với cùng kỳ trong khi đây là thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu; thường có tốc độ tăng trưởng trên dưới 30%. Hiện, 11/13 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Trung Quốc năm 2017 đã giảm sút. Việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc còn gặp phải một khó khăn bất khả kháng do hiện nay hàng hóa Trung Quốc gặp khó trong việc xuất khẩu sang Mỹ nên bắt buộc phải gia tăng mức độ tiêu thụ trong nước - là nguyên nhân khiến thị phần của hàng Việt ở đây bị thu hẹp lại...
Xét về cán cân thương mại quốc gia thì đến nay, nền kinh tế vẫn xuất siêu hơn 3 tỷ USD. Tuy vậy, riêng trong tháng 7, nền kinh tế đã quay lại nhập siêu 300 triệu USD giá trị hàng hóa. Như vậy, tình trạng nhập siêu đã tái hiện thay vì xuất siêu trong nửa đầu năm; cần có sự điều chỉnh phù hợp nhằm chặn đà nhập siêu trong những tháng tới.
Vấn đề đặt ra là tạo dựng khả năng chống chọi của nền kinh tế trong bối cảnh thị trường thế giới biến động, từ đó cần tập trung gia tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu để duy trì nhịp độ và đẩy mạnh tốc độ xuất khẩu. Thực tế cho thấy, một khi có sự thay đổi bất ngờ về thị trường thì các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi cơ cấu thị trường. Đơn cử khi kết quả xuất khẩu sang Trung Quốc giảm sút thì doanh nghiệp cần thực hiện biện pháp đa dạng hóa thị trường; chủ động tìm kiếm khách hàng tại Mỹ, EU và các thị trường ngách.
Hiện Bộ Công Thương đang chủ trương gia tăng xuất khẩu các nhóm sản phẩm quan trọng như điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, nông sản... Tuy nhiên, việc này phải gắn liền với nâng cao giá trị, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm xuất khẩu để gia tăng lợi nhuận thu về đối với mỗi sản phẩm cụ thể. Làm được như vậy tức là thu về nhiều lợi nhuận hơn trong khi không cần tăng lượng hàng xuất khẩu và tạo thêm điều kiện để các đơn vị có thời gian tập trung cho hoạt động “nghiên cứu và phát triển”. Đồng thời, điều đó còn giúp nâng cao hình ảnh, uy tín của hàng Việt trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, cần nhân lên kết quả tích cực trong hoạt động xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản...
Theo Bộ Công Thương, cần tập trung làm tốt công tác cung cấp thông tin thị trường, nhất là về pháp luật, nhu cầu và thị hiếu của các thị trường quan trọng; tập trung vào những quốc gia là thành viên các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó, đội ngũ tham tán, cơ quan đại diện thương mại tại nước ngoài phải chủ động hơn nữa để tìm kiếm thị trường mới, hợp đồng mới để “xi nhan” cho doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh lưu ý, trách nhiệm của Bộ Công Thương không chỉ là cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành cho doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin chính xác và kịp thời cho doanh nghiệp.