Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Chính trị - Ngày đăng : 06:24, 17/08/2018
Nhờ xây dựng quy chế dân chủ, gắn với công tác quản lý trật tự đô thị và bảo vệ môi trường, đường Ngô Gia Tự (quận Long Biên) đã phong quang sạch đẹp.Ảnh: Hữu Tiệp |
Bài đầu: Giải quyết hiệu quả những vấn đề “nóng”, khó
Với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", các địa phương đã chủ động lồng ghép, xử lý nhiều vấn đề "nóng", vấn đề khó tại địa phương vào việc triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở. Nhờ đó, có những vụ việc tồn tại nhiều năm đã được giải quyết hiệu quả...
Công khai, dân chủ để tạo sự đồng thuận
Chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) là một địa chỉ du lịch, văn hóa, thương mại tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội với gần 3.000 hộ kinh doanh, vì vậy việc duy trì ổn định hoạt động của chợ là nhiệm vụ khó đối với Công ty cổ phần Đồng Xuân. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đồng Xuân Hoàng Sơn chia sẻ, tại lần điều chỉnh giá thuê ki ốt chợ Đồng Xuân vào năm 2004, do không đạt được sự đồng thuận, bà con đã tập trung khiếu kiện đông người, kéo dài.
Rút kinh nghiệm từ sự việc này, công ty đã căn cứ vào nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, nghiên cứu, xây dựng và ban hành quy chế dân chủ tại chợ Đồng Xuân vào năm 2008. Năm 2018, sau khi Hội đồng quản trị xây dựng phương án giá thuê ki ốt mới, và căn cứ theo quy chế dân chủ, Công ty cổ phần Đồng Xuân đã tổ chức họp với trưởng, phó ngành hàng và các hội đoàn thể. Mọi băn khoăn, vướng mắc liên quan tới giá thuê ki ốt đều được thảo luận công khai. Nhờ đó, 100% bà con tiểu thương đã thống nhất với phương án giá mà công ty đề xuất trong giai đoạn 2018-2028. Đặc biệt, mới đây, khi xuất hiện thông tin xây mới chợ Đồng Xuân thành trung tâm thương mại, ngay lập tức, công ty đã tổ chức họp với các đầu mối, đoàn thể để công khai thông tin chính xác, giải tỏa thắc mắc cho bà con.
Cũng về vấn đề này, cấp ủy, chính quyền quận Long Biên đã xác định, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo đảm ổn định an ninh chính trị, giảm thiểu các mâu thuẫn, đơn thư khiếu kiện.
Từ năm 2012, UBND quận Long Biên đã tham mưu, lựa chọn các lĩnh vực nổi cộm để xây dựng quy chế dân chủ. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Long Biên Nguyễn Huy Thắng cho biết, tính đến hết năm 2016 quận đã xây dựng và ban hành 6 quy chế dân chủ trong công tác quản lý trật tự xây dựng; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; thu thuế đối với hộ kinh doanh; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở; quản lý trật tự đô thị và bảo vệ môi trường.
Chia sẻ về việc thực hiện quy chế dân chủ trong trong công tác quản lý trật tự đô thị và bảo vệ môi trường, bà Nguyễn Thị Hát, Tổ phó Tổ Dân vận kiêm Tổ trưởng tổ dân phố 25, phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) cho biết, khi có hướng dẫn của cấp ủy, tổ dân phố đã họp, giao cho các liên gia trưởng phụ trách các hộ ở mặt đường. Đến nay, nhờ các hộ gia đình tự bảo ban, đôn đốc, tại tổ dân phố 25 đã không còn tình trạng bán hàng rong. Hơn nữa, việc bán hàng ban đêm, gây mất trật tự đô thị cũng đã được giải quyết triệt để. Diện mạo phố phường trở nên sạch đẹp, văn minh.
Giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị
Thông qua quy chế dân chủ, phương án giá thuê ki ốt tại chợ Đồng Xuân được các hộ kinh doanh bàn bạc và thống nhất. |
Thực hiện Kết luận số 120-KL/TƯ, ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” và tiếp tục thực hiện Chỉ thị 30-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) ngày 18-2-1998 “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 14-1-2016 về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố cho biết, tại Chỉ thị số 04-CT/TU, Thành ủy đã yêu cầu các cấp ủy tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc lãnh đạo triển khai gắn với các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, nhiệm vụ chính trị của thành phố... TP Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về xây dựng các quy chế dân chủ trong loại hình mới với việc xây dựng một hệ thống văn bản mẫu hướng dẫn cơ sở thực hiện.
Nhờ việc lựa chọn những nhiệm vụ lớn, vấn "nóng" phát sinh từ thực tiễn để tập trung giải quyết, các địa phương, đơn vị đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Nguyên Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi khẳng định, triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 04-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, quyền làm chủ của nhân dân trên địa bàn quận được phát huy, giúp cơ quan, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Cũng từ lựa chọn việc nóng, việc khó, các nhiệm vụ chính trị quan trọng để tập trung giải quyết, tính riêng trong 3 năm vừa qua, thành phố đã xử lý theo thẩm quyền 4.517/5.343 vụ khiếu nại (đạt 84,54%); 1.777/2.257 vụ tố cáo (đạt 78,73%). Phát huy dân chủ tại cơ sở, trong năm 2017, các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở xã, phường, thị trấn đã giám sát 17.462 cuộc. Qua đó kiến nghị, đề xuất xử lý 2.356 vụ, kiến nghị thu hồi 11.132m2 đất. Đặc biệt, thực hiện quy chế dân chủ trong công tác thuế đã góp phần đưa tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2017 vượt 2,8% dự toán năm (tăng 17% so với năm 2016)…
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo Xây dựng và Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với các nhiệm vụ chính trị tại các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị đã phát huy hiệu quả trên thực tế. Dân chủ là giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
(Còn nữa)