Góc nhìn về 8 nhân vật dành cả đời cho văn học nghệ thuật
Văn hóa - Ngày đăng : 13:51, 18/08/2018
Cuốn sách sẽ dẫn dắt bạn đọc vào hành trình tìm hiểu về 8 nhân vật, đều là những văn nghệ sĩ nổi tiếng của nước nhà. Đó là họa sĩ Trịnh Cung; nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật - họa sĩ Nguyễn Quân, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, nhà phê bình văn hóa mỹ thuật - họa sĩ Phan Cẩm Thượng, họa sĩ Trần Trọng Vũ, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Thuận, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Hoàng Điệp.
8 người ở các lứa tuổi khác nhau, người lớn tuổi nhất là họa sĩ Trịnh Cung (sinh năm 1938), người trẻ tuổi nhất là đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (sinh năm 1982). Qua văn phong hấp dẫn, độc giả sẽ biết về từng cuộc đời mà xuất phát khác nhau, tạo dấu ấn ở những lĩnh vực với phong cách khác nhau nhưng có chung tình yêu với nghệ thuật, quyết theo đuổi đến cùng đam mê, nguyện “cả cuộc đời dành cho việc này”.
Tác giả Nguyễn Quỳnh Trang chia sẻ, chị đã dành 8 năm để thực hiện cuốn sách này. Đó không phải là những bài phỏng vấn, viết chân dung đơn thuần mang tính báo chí sau một lần gặp. Đó là những chắt lọc mà tác giả đã quan sát, theo dõi, trò chuyện, thấu hiểu cuộc đời của từng nhân vật để ghi lại.
Họa sĩ, nhà báo Vũ Lâm nhận xét: “Cuốn sách tuy nhỏ nhưng chứa đựng một dự án triển lãm tranh tự họa, một triển lãm di động mà người xem có thể mang theo bên cạnh và ngắm nghía bất cứ lúc nào”.
Tác phẩm còn chứa nhiều câu châm ngôn để đời, nhiều lời tâm sự chân thực đến đáy, không dễ để nghe trực tiếp. Độc giả có thể cảm nhận hành trình theo đuổi văn học, nghệ thuật đầy gian khổ và thử thách. Có những lúc các nhân vật quyết liệt, mạnh mẽ, có những khoảnh khắc họ tạm nghỉ, để rồi sau đó lại tiếp tục chặng đường sáng tạo, đi đến thành công.
Cuốn sách “Cả cuộc đời dành cho việc này” sẽ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ còn đang chênh vênh trên con đường khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Quỳnh Trang hiện công tác tại Báo Đại đoàn kết. Chị có nhiều tác phẩm tái bản liên tục trong 10 năm qua như: “1981”, “Nhiều cách sống”, “Mất ký ức”, “Đi về không điểm đến”…