Bài cuối: Thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân
Đời sống - Ngày đăng : 06:28, 18/08/2018
Qua 20 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, gần 3 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, Đảng bộ TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ban Dân vận và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Oai giám sát công trình xây dựng trường học tại xã Đỗ Động. Ảnh: Bá Hoạt |
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đó là việc một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa coi trọng đúng mức nhiệm vụ này. Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi còn hạn chế, hình thức, thiếu quyết liệt, dân chủ chưa gắn với kỷ cương. Bên cạnh đó, một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu trong thực hiện quy chế dân chủ. Một bộ phận người dân lại chỉ quan tâm đến lợi ích riêng mà xem nhẹ trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của mình.
Cá biệt, một số người lợi dụng dân chủ để lôi kéo kích động một bộ phận nhân dân tụ tập đông người, khiếu kiện dẫn đến vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Theo lãnh đạo một số địa phương, nguyên nhân của những tồn tại này là do công tác tuyên truyền đến người dân vẫn còn hạn chế; nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở về dân chủ chưa sâu. Vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng ở một số nơi chưa chặt chẽ, nội bộ thiếu đoàn kết; thiếu dứt điểm trong giải quyết những vấn đề phức tạp liên quan đến giải phóng mặt bằng, vi phạm luật đất đai...
Là địa phương đạt kết quả cao trong việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở, nhất là trong vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đan Phượng Lê Văn Thìn đánh giá, quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cho thấy, nơi nào thực hiện tốt thì nội bộ đoàn kết, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Nơi nào xem nhẹ, buông lỏng sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự điều hành, quản lý của chính quyền, thiếu mối quan hệ máu thịt với nhân dân thông qua MTTQ, các đoàn thể thì không thể phát huy dân chủ.
Ở khía cạnh khác, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm nhận định, trên thực tế, một số quy chế dân chủ còn được xây dựng thiếu cụ thể, khó nhớ. Một số quy chế, quy ước còn rập khuôn theo mẫu, chưa sát với tình hình thực tế ở cơ sở, nên khi vận dụng hiệu quả không cao. Thêm vào đó, sự phối hợp trong tổ chức thực hiện quy chế dân chủ của các cấp, ngành hiện chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là trong công tác quy hoạch, xây dựng đô thị, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở cho nhân dân...
Đề cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện
Từ những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra trong quá trình xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Thành ủy Hà Nội đã đề ra phương hướng nhiệm vụ nhằm phát huy những thành tựu, khắc phục những hạn chế, yếu kém.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố cho biết, thời gian tới, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương trong việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở một cách sâu rộng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, các cấp thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ dân vận, tổ hòa giải ở cơ sở… Đồng thời tăng cường chỉ đạo mở rộng dân chủ trực tiếp, nhất là ở những lĩnh vực mới, nhạy cảm, phức tạp; tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Cùng với tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng; trách nhiệm của chính quyền, người đứng đầu về thực hiện quy chế dân chủ, Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ở cơ sở; phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... Đặc biệt, Thành ủy sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc để kịp thời biểu dương và nhân rộng các mô hình, tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến.
Chỉ đạo việc tiếp tục xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố yêu cầu, Ban Chỉ đạo cần gắn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Bên cạnh đó, các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố, nhất là thực hiện tốt “Năm dân vận chính quyền 2018” và “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” của thành phố.