Tỷ giá biến động: Không đáng ngại!

Tài chính - Ngày đăng : 07:17, 18/08/2018

(HNM) - Từ đầu tháng 8 đến nay, mặc dù tiếp tục có những phiên tăng, giảm, nhưng những biến động của tỷ giá không bất thường. Theo các chuyên gia kinh tế, đà tăng của tỷ giá trong nước chủ yếu do diễn biến của thị trường thế giới, không phải do nhu cầu trong nước tăng đột biến, nên không đáng lo ngại!


Tăng cao kỷ lục

Trong mấy ngày gần đây, tỷ giá liên tục thay đổi. Cụ thể, ngày 14-8, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 22.686 VND/USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Với biên độ +/-3% theo quy định hiện hành, tỷ giá trần cho các ngân hàng thương mại là 23.367 VND/USD và tỷ giá sàn: 22.005 VND/USD. Giá bán tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng đã được cơ quan này nâng lên 22.700 VND/USD (mua vào) - 23.317 VND/USD (bán ra).

Đà tăng tỷ giá trong nước chủ yếu do ảnh hưởng bởi diễn biến thị trường thế giới. Ảnh: Mạnh Hà



Tiếp đó, ngày 15-8, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh giảm nhẹ 1 VND/USD, xuống còn 22.685 VND/USD, nhưng vẫn được coi là mức cao của tỷ giá trung tâm so với những thời điểm trước. Các ngân hàng thương mại cũng đồng loạt tăng giá đối với đồng USD. Theo đó, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), giá USD đều được giao dịch phổ biến ở mức: 23.270 VND/USD (mua vào) - 23.350 VND/USD (bán ra); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank): 23.268 VND/USD (mua vào) - 23.348 VND/USD (bán ra). Tính từ đầu năm, giá USD trong hệ thống ngân hàng thương mại tăng khoảng 600 VND/USD ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.

Đà tăng của đồng USD trong nước chủ yếu do tác động từ thị trường thế giới. Phiên giao dịch đêm 15-8 theo giờ Việt Nam, đồng USD trên thị trường quốc tế đứng ở mức cao nhất trong 13 tháng trở lại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đồng USD tiếp tục xu hướng tăng giá so với đa số đồng tiền chủ chốt khác, trong đó có euro và nhân dân tệ của Trung Quốc. Đáng chú ý, nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng từ chính sách hạn chế cho vay, nợ cao và căng thẳng thương mại gia tăng...

Cùng với đó, đồng bạc xanh tăng còn do cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ với đồng lira lao dốc đã ảnh hưởng tới đồng tiền của hàng loạt các nền kinh tế mới nổi.

Áp lực không lớn

Trước đó, trong tháng 7, thị trường ngoại hối đã trải qua đợt biến động mạnh nhất trong hơn một năm trở lại đây khi đồng VND mất giá hơn 1,15% so với đồng USD, do giá USD tăng từ mức 23.030 đồng/USD đầu tháng tăng lên 23.295 đồng/USD vào cuối tháng. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 7, giá trị đồng VND giảm khoảng 2,62%. Tuy nhiên, trong những ngày đầu tháng 8, đồng USD đã có lúc giảm mạnh, lùi xuống mức 22.666 VND/USD.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, áp lực đối với VND trong tháng 7 chủ yếu do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá mạnh so với USD - gần 3%. Nếu tính từ đầu tháng 6 đến hết tháng 7, nhân dân tệ đã mất giá 6,6%, mạnh nhất trong vòng 2 tháng nay. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc nên việc nhân dân tệ mất giá đã gây sức ép lên VND.

Mặc dù tỷ giá biến động khá mạnh nhưng cung - cầu từ các hoạt động cơ bản chưa có biến động lớn. Có thể thấy qua việc giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì ổn định vào khoảng 1,5 tỷ USD, nhưng số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 7, cán cân thương mại hàng hóa bất ngờ thâm hụt trở lại khoảng 300 triệu USD. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng bán ròng khoảng 100-150 triệu USD trên thị trường chứng khoán và phát sinh nhu cầu ngoại tệ lớn của một vài doanh nghiệp. Những dịch chuyển lớn từ quốc tế cùng chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã làm thay đổi tâm lý thị trường và tất yếu hình thành mặt bằng tỷ giá mới.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường ngoại hối không bị tác động nhiều do nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam và dự báo nguồn tiền này sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Mặc dù áp lực từ thị trường quốc tế tiếp tục là một ẩn số lớn song tác động bất lợi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD đối với Việt Nam hạn chế.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành đồng bộ các giải pháp khác như duy trì tỷ giá trung tâm và tỷ giá bán ra trong biên độ hẹp, duy trì hút tiền qua kênh tín phiếu để định hướng mặt bằng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, tránh tái diễn hiện tượng chênh lệch sâu lãi suất VND-USD. Theo đó, dự báo thị trường ngoại hối tháng 8-2018 có thể ổn định hơn so với tháng 7, song vẫn phải thận trọng.

Ngân hàng Nhà nước, ngay từ đầu tháng 8, đã ban hành Chỉ thị số 04 /CT-NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2018. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá, phù hợp với diễn biến thị trường, cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ, hạn chế tình trạng đô la hóa và vàng hóa. Ngoài ra sẽ kiểm soát chặt việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ...

Hà Linh