Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở

Chính trị - Ngày đăng : 07:04, 18/08/2018

(HNM) - Mặt trận Tổ quốc tham gia giám sát, nhận xét đảng viên hai chiều ở nơi cư trú theo Quy định 76-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị nhằm tăng cường kết nối với cơ sở, khắc phục tình trạng xa dân của cán bộ, đảng viên.



Hội nghị các Ban Công tác Mặt trận phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) đóng góp ý kiến cho đảng viên hai chiều.


Bà Đào Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Đống Đa
: Khắc phục tính phiến diện, nể nang, dĩ hòa vi quý

Quận Đống Đa hiện có khoảng 27 nghìn đảng viên sinh hoạt hai chiều tại các khu dân cư trên địa bàn. Những năm qua, các cấp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) quận phối hợp với các cấp ủy Đảng quán triệt tới 282 ban công tác mặt trận thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú theo đúng Quy định 76-QĐ/TƯ ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị.

Gần đây nhất, thực hiện Hướng dẫn 60/HD-MTTQ-BTT của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội về việc giám sát và nhận xét của Ban Công tác Mặt trận đối với đảng viên thường xuyên ở nơi cư trú, đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, Ủy ban MTTQ quận chỉ đạo các ban công tác mặt trận ở các khu dân cư thuộc 21 phường trên địa bàn thực hiện nghiêm túc, góp ý cho đảng viên dựa trên các tiêu chí: Chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và nghĩa vụ công dân; phẩm chất đạo đức, quan hệ với nhân dân nơi cư trú của bản thân và gia đình đảng viên; đảng viên và gia đình tham gia các cuộc họp do cấp ủy, chi ủy, chính quyền tổ chức...

Trên cơ sở đó, Ban Công tác Mặt trận họp, thống nhất cho ý kiến góp ý đảng viên, rồi chuyển sang cấp ủy xem xét, xếp loại. Việc này được tiến hành bài bản, thu hút nhân dân tham gia, nên ý kiến thẳng thắn, bảo đảm khách quan, khắc phục được tình trạng nể nang, dĩ hòa vi quý.

Ông Chử Bá Tước, Bí thư Chi bộ Hồng Hà 5, phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm): Cần sự giám sát của hệ thống chính trị cơ sở và nhân dân

Hơn 20 năm ở cương vị Bí thư Chi bộ địa bàn dân cư, kinh nghiệm lãnh đạo chi ủy và quản lý đảng viên tại địa bàn dân cư, đặc biệt với đảng viên sinh hoạt hai chiều cho thấy, việc sâu sát, nắm bắt đầy đủ thông tin của các đảng viên tại địa bàn dân cư rất cần có sự tham góp ý kiến từ các đoàn thể, nhân dân. Nếu chỉ riêng chi ủy hay chi bộ đánh giá thì không thể nắm rõ hết để góp ý, nhận xét về mỗi đảng viên.

Nhân dân, các đoàn thể khu dân cư nơi đảng viên đang sinh sống sẽ nắm bắt và biết rõ nhất tư cách đạo đức, tác phong, việc chấp hành chủ trương, đường lối... của đảng viên và gia đình của họ. Chủ trương của Trung ương và TP Hà Nội ban hành về quản lý, giám sát, nhận xét, đánh giá đảng viên sinh hoạt hai chiều tại nơi cư trú là rất cần thiết và để đạt hiệu quả cao rất cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở cơ sở và nhân dân chứ không riêng cấp ủy.

Bà Đỗ Thị Oanh, Tổ trưởng tổ dân phố 11, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm):
Kích hoạt sự phấn đấu của đảng viên

Trước đây, khi chưa có chủ trương MTTQ tham gia giám sát, nhận xét đảng viên hai chiều, việc nhận xét đảng viên ở nơi cư trú thuộc trách nhiệm của cấp ủy. Mẫu biểu đánh giá còn chung chung, phiếu ý kiến gửi chi ủy và Ban Công tác Mặt trận, nhưng lại không bắt buộc có chữ ký xác nhận của Ban Công tác Mặt trận. Do vậy, vai trò của MTTQ trong nhận xét, đánh giá đảng viên sinh hoạt hai chiều không rõ. Thậm chí, việc nhận xét bị chi phối bởi mối quan hệ họ hàng, tình làng, nghĩa xóm.

Ngày 12-11-2014, Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn (tạm thời) số 31 và gần đây nhất (tháng 4-2018) là Hướng dẫn số 60/HD-MTTQ-BTT về việc giám sát và nhận xét của Ban Công tác Mặt trận đối với đảng viên đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp nơi cư trú.

Nội dung giám sát thiết thực như việc chấp hành các quy định về trật tự xây dựng đô thị; gia đình không có người vi phạm tệ nạn xã hội; không tham gia hoạt động mê tín dị đoan; tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường; thực hiện quy ước, hương ước nơi cư trú, thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng... Đây là cơ sở “kích hoạt” ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của đảng viên, để họ vừa hoàn thiện bản thân, vừa phấn đấu tốt hơn.

Đảng viên Phạm Toàn Thắng, Chi bộ 7, phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng): Nêu cao trách nhiệm khi góp ý kiến xây dựng địa phương

Là đối tượng được giám sát, nhắc nhở, chấn chỉnh (nếu có sai phạm), đảng viên sinh hoạt hai chiều nói chung, cá nhân tôi nói riêng hoàn toàn tán thành, ủng hộ, chấp hành nghiêm trách nhiệm, nghĩa vụ người đảng viên tại địa bàn. Chúng tôi được góp ý vào quy định, quy ước, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, góp ý tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phương hướng phát triển, nâng cao đời sống nhân dân...

Qua đó, chúng tôi có cơ hội thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu trong các hoạt động, phong trào và các cuộc vận động. Chúng tôi coi đó là môi trường rèn luyện phẩm chất, trau dồi kinh nghiệm, kiến thức cho các nhiệm vụ công tác cũng như trong cuộc sống riêng.

Linh Nhi