Nền tảng là quan trọng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:23, 19/08/2018
Lo lắng là phản ứng tự nhiên bởi những vụ việc đáng tiếc xảy ra không chỉ cho thấy nội dung, phương pháp giảng dạy những môn học thuộc về đạo đức công dân, uốn nắn hành vi và hình thành kỹ năng xử lý tình huống của giới trẻ không chỉ “có vấn đề”, mà còn cho thấy môi trường giáo dục đã không giữ được sự trong lành ở mức cần thiết. Học sinh đánh nhau, giáo viên bạo hành, xâm hại trẻ, phụ huynh học sinh thể hiện nỗi ấm ức bằng thái độ hoặc hành vi mang tính bạo lực… Những điều đó đã xảy ra trong thực tế, đáng tiếc là theo chiều hướng ngày một đáng lo, cho thấy không thể không tìm cách ngăn chặn một cách hiệu quả.
Muốn tìm giải pháp tốt thì phải xác định được nguyên nhân. Cả nguyên nhân cơ bản và những yếu tố tác động. Về điều này, gần đây, sau những vụ bạo lực học đường cũng như hành vi vi phạm pháp luật được các phương tiện thông tin đại chúng nêu ra, nhiều người có ý quy trách nhiệm tuyệt đối cho nội dung và phương pháp giáo dục - tức chất lượng giáo dục - trong nhà trường, qua đó nói về sự yếu kém của ngành Giáo dục nói chung. Cách lập luận không phải không có lý, nhưng không thể nói là đầy đủ. Bạo lực học đường, hành vi vi phạm pháp luật xảy ra khi những bài học trong nhà trường về đạo đức, nếp sống, lối sống, ý thức thượng tôn pháp luật thường trực ở trẻ chưa đủ để chúng hình thành kỹ năng sống đúng đắn, ứng xử văn minh.
Nhưng nguyên nhân không chỉ có vậy. Tìm hiểu về tâm lý giáo dục, tâm lý trẻ em và xem xét thực tế cho thấy hành vi bạo lực liên quan tới học sinh còn là hệ quả từ cách ứng xử của người lớn, cách thức giáo dục trẻ trong mỗi gia đình. Thường thấy ở trong gia đình mà người lớn xử lý tình huống bằng phương pháp mang tính bạo lực, trẻ dễ bị nhiễm thói xấu đó, trở nên cục cằn, có xu hướng sử dụng “nắm đấm” thay vì đối thoại. Nhóm trẻ này có thể mang tâm lý, thói quen sử dụng bạo lực vào nhà trường, dẫn đến hành vi bạo lực khi hình thức đối thoại không giúp giải quyết vấn đề - mâu thuẫn nảy sinh. Mặt khác, khi thường xuyên chứng kiến hành vi coi thường luật pháp của người lớn, từ việc vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông đến vứt rác bừa bãi, nói tục, chửi bậy…, trẻ rất khó rèn luyện ý thức tuân thủ pháp luật cũng như học hỏi kỹ năng sống đúng đắn dù bài học ở trường có sinh động đến đâu.
Bởi vậy, để hạn chế bạo lực học đường và hành vi vi phạm pháp luật của học sinh, điều quan trọng nhất là tìm ra cách hiệu quả để hình thành nền tảng đạo đức, ý thức ứng xử văn minh, tôn trọng luật pháp và những quy ước được xã hội thừa nhận. Với học sinh, những phẩm chất đó không thể hình thành vững chắc chỉ nhờ vào những bài học ở trường, qua những giờ học đạo đức công dân vốn được cho là chưa đủ chất lượng cần thiết, mà còn cần có sự dạy dỗ, nêu gương thường xuyên của người lớn - cả trong gia đình và ngoài xã hội. Hơn nữa, ở trường, trong gia đình và ngoài xã hội, người lớn cần phải “học” cách tôn trọng trẻ thay vì áp đặt chúng bằng mọi giá. Trẻ được tôn trọng sẽ tự thấy mình cần phải tôn trọng người khác, và do đó, tình trạng bạo lực sẽ được hạn chế.
Những bài học đúng đắn từ gia đình và trường học sẽ theo trẻ vào đời, là nền tảng giúp chúng cư xử đúng mực, văn minh. Lớp người đó, sau này, dù trở thành giáo viên hay làm ngành nghề gì đi nữa, sẽ luôn có được ý thức tự giác tôn trọng pháp luật, tôn trọng người khác nhờ nền tảng có được. Khi đó, bạo lực không thể nào là thứ có thể thấy thường xuyên.