Phòng, chống vi phạm pháp luật trong trường học: Lấy xây để chống!

Giáo dục - Ngày đăng : 06:22, 19/08/2018

(HNM) - Hơn 1.600 vụ học sinh đánh nhau mỗi năm trên cả nước cho thấy bạo lực học đường đã trở thành vấn đề báo động không chỉ đối với ngành Giáo dục mà còn đối với toàn xã hội. Với mục tiêu

Năm học 2018-2019, Hà Nội tập trung giáo dục đạo đức, kỹ năng để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, xây dựng trường học an toàn. Ảnh: Bá Hoạt


Bạo lực học đường ở mức báo động

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra các sự việc nghiêm trọng liên quan đến bạo lực học đường khiến dư luận bức xúc. Tại Hà Nội, năm học 2017-2018 cũng xuất hiện nhiều vụ việc đáng buồn, điển hình như việc hai học sinh nữ cấp trung học cơ sở (THCS) ở quận Đống Đa đánh nhau; nhóm học sinh nữ cấp THCS ở huyện Chương Mỹ đánh hội đồng, xé áo một bạn nữ tại lớp học; nhóm học sinh trung học phổ thông ở huyện Ứng Hòa dùng hung khí đánh nhau khiến một học sinh tử vong. Ngay cả thầy, cô giáo cũng liên quan đến bạo lực, trong đó có việc cô giáo đánh tím tay học sinh ở huyện Gia Lâm; thầy giáo "lên gối", đánh xước mặt học sinh ở huyện Sóc Sơn...

Rõ ràng, tình trạng vi phạm pháp luật trong trường học đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. "Đâu là nguyên nhân, tại sao mãi tái diễn tình trạng này?" là câu hỏi khiến nhiều người trăn trở. Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nêu rõ: Tình trạng học sinh mâu thuẫn, đánh nhau do cả nhà trường, gia đình và xã hội chưa có sự quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục đạo đức, pháp luật, chưa có cơ chế giám sát phù hợp, thiếu chế tài mạnh đủ sức răn đe.

Trước tình hình vi phạm pháp luật trong nhà trường, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhận định: Công tác phối hợp trong quản lý, giáo dục học sinh giữa gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi sai phạm. Một số cán bộ, giáo viên thiếu đạo đức nghề nghiệp, lệch lạc về lối sống và hành vi dẫn đến sống tha hóa, có hành vi bạo lực, xâm hại tình dục và vi phạm pháp luật. Tình trạng này đã ảnh hưởng xấu đến việc giữ gìn môi trường giáo dục lành mạnh và gây bức xúc, lo lắng trong dư luận.

Hà Nội lập đường dây nóng nhận tố giác về bạo lực

Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường sẽ mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật trong trường học. Ảnh: Thái Hiền


Để ngăn chặn bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật trong trường học, đã có nhiều giải pháp được triển khai như tăng cường tuyên truyền, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và vi phạm pháp luật cho học sinh; điều chỉnh phương pháp, nội dung môn giáo dục công dân theo hướng giảm tính áp đặt và kiến thức lý thuyết, tăng kỹ năng thực hành... Tuy nhiên, theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn 5% số học sinh cho rằng công tác giáo dục đạo đức, lối sống hiếm khi hoặc hầu như không được triển khai; gần 4% không trả lời với nội dung này.

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất, với gần 1,9 triệu học sinh và hơn 130 nghìn cán bộ, giáo viên, Hà Nội luôn đứng trước thách thức không nhỏ trong việc xây dựng và giữ gìn môi trường học đường an toàn, thân thiện để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, ngăn chặn hiệu quả những tác động tiêu cực của xã hội. Với quan điểm "lấy xây để chống", xây dựng môi trường giáo dục an toàn một cách bền vững, ngày 15-1-2018, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành "Kế hoạch thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường". Một trong những giải pháp căn bản là triển khai công tác tư vấn học đường với những yêu cầu cụ thể về cách thức, nội dung, các điều kiện triển khai.

Ông Nguyễn Hùng Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Vạn Thắng (huyện Ba Vì), một trong những trường còn nhiều khó khăn song đã đi tiên phong trong việc thành lập, duy trì phòng tư vấn tâm lý cho biết: Khó khăn nhất là việc làm thế nào để học sinh mở lòng, tin tưởng và chia sẻ những bế tắc trong cuộc sống, từ đó thầy, cô giáo mới có thể hỗ trợ, định hướng học sinh ứng xử văn minh, tuân thủ pháp luật, hạn chế được việc dùng "nắm đấm" để giải quyết sự việc. Muốn vậy, chính các thầy cô phải luôn lắng nghe, thấu hiểu, luôn làm gương, mẫu mực về phẩm chất để học trò "tâm phục, khẩu phục". Qua đây, mỗi thầy, cô giáo cũng tự soi lại mình, nỗ lực hoàn thiện, góp phần giữ vững nền nếp, kỷ cương trong nhà trường.

Nhằm giải quyết căn bản tình trạng học sinh đánh nhau và nhà giáo vi phạm pháp luật, ngày 2-8-2018, UBND TP Hà Nội có văn bản yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các sở, ngành, trong đó có việc thiết lập đường dây nóng tiếp nhận tin báo, tố giác về sai phạm trong trường học. Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, năm học 2018-2019, các nhà trường tập trung trang bị kỹ năng phòng, chống bạo lực, vi phạm pháp luật cho học sinh; nhân rộng những mô hình hiệu quả về phòng, chống bạo lực; tổ chức rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên, bảo đảm tại các nhà trường không có nhà giáo vi phạm đạo đức, vi phạm quy định của pháp luật.

Đặc biệt, để tránh hiện tượng "giơ cao, đánh khẽ", cùng với việc tinh giản biên chế, ngành Giáo dục sẽ kiên quyết xử lý đối với nhà giáo có sai phạm về thu chi, dạy thêm, học thêm, đạo đức nghề nghiệp... Tùy theo mức độ, nhà giáo có thể bị điều chuyển công việc hoặc đưa ra khỏi ngành. Cùng với nhân rộng điển hình tốt, việc xử lý dứt khoát, mạnh tay đối với các sai phạm trong nhà trường đang được kỳ vọng sẽ hạn chế căn bản tình trạng vi phạm pháp luật, lập lại kỷ cương và không ngừng xây dựng, vun đắp môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn.

Năm học 2018-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung hoàn thiện Đề án "Xây dựng văn hóa xứng xử trong trường học"; tăng cường thanh tra, kiểm tra về công tác dân chủ, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, phòng, chống bạo lực; nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung điều lệ trường học, trong đó quy định cụ thể các chế tài xử lý hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo.

Thống Nhất