Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Gió tình yêu thổi mãi!

Văn hóa - Ngày đăng : 07:24, 19/08/2018

(HNM) - Tháng 8 - mùa thu là thời gian, không gian nghệ thuật nhiều cảm hứng đã đi vào không ít tác phẩm của cặp vợ chồng tài hoa Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. 30 năm trước, cũng vào tháng 8, hai tài năng ấy đã vĩnh viễn ra đi. Nhưng những tác phẩm của họ mãi còn ở lại, vẫn khiến công chúng thổn thức, say đắm, vẫn không ngừng thổi những làn gió của tình yêu, sáng tạo cho giới văn học, nghệ thuật.

Một cảnh trong vở kịch Nguồn sáng trong đời - kịch bản của Lưu Quang Vũ.


Nguồn sáng trong đời

Những ngày đầu tháng 8, Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt vở “Nguồn sáng trong đời” kịch bản của Lưu Quang Vũ, do Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Dũng đạo diễn. Đó là tác phẩm về đề tài hậu chiến, khi hai nhân vật chính dưới ngòi bút của Lưu Quang Vũ đều bước ra từ bom đạn. Nhưng khi đưa tác phẩm này lên sân khấu hơn 30 năm sau, đạo diễn chỉ để lại nhân vật nhà điêu khắc Lê Chí bị mù hai mắt trong một trận chiến, là thương binh, nhằm làm cho tình huống bù đắp sau này thêm nổi bật.

10 năm chìm trong bóng tối, Lê Chí khao khát có thể nhìn thấy ánh sáng để đắp nặn những bức tượng cho đời. Có một giải pháp là ghép giác mạc từ đôi mắt của người mới chết. Nhưng hành trình của anh và các bác sĩ gần như rơi vào tuyệt vọng khi không thể thuyết phục được người nào chịu hiến đôi mắt của người thân đã mất cho anh. Vợ Lê Chí đã không ít lần bất bình vì: “Anh ấy chiến đấu hy sinh đôi mắt để đổi lấy hòa bình cho mọi người, anh ấy xứng đáng được bù đắp”. Phải đến khi gặp kỹ sư xây dựng Toàn bị ung thư giai đoạn cuối, cuộc sống chỉ còn 2 tháng, Lê Chí mới nhận được “nguồn sáng” một cách tự nguyện…

Thực ra, câu chuyện này không mới. Nhưng khán giả vẫn ngồi hai giờ không bỏ sót một chi tiết nào, khóc, cười cùng các nhân vật. Kịch Lưu Quang Vũ viết 34 năm trước, đạo diễn có đôi chút thay đổi cho phù hợp với khán giả hôm nay, nhưng những phần thoại hay nhất, tình huống đắt nhất, mang thông điệp tuyệt vọng nhất hay vui sướng nhất đều vẹn nguyên từ kịch bản gốc. Việc chọn đôi mắt là biểu tượng của vở kịch cũng hàm nghĩa triết lý - thứ luôn chất chứa trong những trang viết của Lưu Quang Vũ. Trong vở kịch, khao khát có “ánh sáng” không chỉ ở riêng vợ chồng Lê Chí mà cả với bác sĩ Thành chuyên khoa mắt khi muốn chứng minh rằng hiến tạng là việc làm cao cả và với Toàn là hy vọng một phần con người mình vẫn ở lại, giúp ích cho đời. Vì vậy, khi vở kịch kết thúc, tràn ngập sân khấu là ánh sáng chiếu rọi, đem lại niềm tin tưởng, lạc quan cho khán giả. “Lưu Quang Vũ luôn đưa vào tác phẩm những vấn đề đang đặt ra trong xã hội với cách giải quyết đầy nhân ái, cô đọng”, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Dũng nhận định.

Giống như “Nguồn sáng trong đời”, nhiều trong số gần 50 kịch bản của tác giả Lưu Quang Vũ được các đơn vị nghệ thuật dựng đi dựng lại suốt 30 năm qua. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Nàng Sita”, “Lời thề thứ 9”, “Ông không phải là bố tôi” … vở nào cũng đầy tính dự báo, giàu chất thơ và thấm đẫm tình yêu nghệ thuật.

Tình yêu ở lại

Thời điểm sáng tác sung sức nhất của Lưu Quang Vũ là khi ở bên Xuân Quỳnh, nữ thi sĩ “hấp dẫn, trí tuệ, hài hước, đằm thắm và hết mình trong tình yêu” (theo lời nhà văn Lê Minh Khuê). Những “Sóng”, “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu”… của Xuân Quỳnh không chỉ tha thiết ở những trang giấy mà vang ngân trong những ca khúc trên nhiều sân khấu lớn. Bằng tình yêu và tài năng, Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh đã tạo nên một gia tài lớn cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Tưởng nhớ 30 năm ngày họ ra đi, nhiều sự kiện văn học, nghệ thuật được tổ chức vào thời gian này ở Thủ đô.

“Tình yêu ở lại” là đêm thơ nhạc kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh do Báo Dân Việt, Nhà hát Tuổi trẻ, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức vào 20h ngày 26-8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Khán giả sẽ được gặp lại những điều đẹp đẽ nhất về hai nghệ sĩ tài năng trong các bài thơ, ca khúc phổ thơ của họ; qua lời kể của người thân, bạn bè, đồng nghiệp; qua những thước phim quý giá mà Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương còn lưu giữ và trích đoạn vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ thể hiện. Đó còn là ngày quây quần của giới nghệ sĩ như: Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành, Nghệ sĩ nhân dân Doãn Châu, Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh, Nghệ sĩ nhân dân Vương Hà, Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức, nhà thơ Anh Ngọc, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Lê Tâm, ca sĩ Tùng Dương…

Bên cạnh đó, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng tổ chức hội thảo với chủ đề “Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ với sân khấu đương đại Việt Nam” vào ngày 20-8, thêm khẳng định vị trí của Lưu Quang Vũ trong nền kịch nghệ nước nhà. Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ: “Kịch Lưu Quang Vũ mang tính dự báo cao, điều mà văn học nghệ thuật đang thiếu vắng. Vì vậy, những tác phẩm của anh vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại này, với mỗi chúng ta, đồng thời trở thành bài học cho người sáng tác”. Nhà văn Ngô Thảo, người bạn thân thiết của gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cho rằng, hai tài năng này sẽ không bao giờ bị lãng quên, bởi họ đã sống một cuộc đời đẹp đẽ, tạo nên những tác phẩm trọn vẹn, mài nên những viên ngọc sáng mách bảo mỗi người biết sống có lý tưởng, hướng đến những giá trị tốt đẹp.

Cả Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật cho những đóng góp không ngừng nghỉ trong quãng đời ngắn ngủi họ sống. Và với công chúng, Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh mãi là ngọn lửa truyền cảm hứng mãnh liệt để sống và cống hiến cho cuộc đời.

Yên Nga