Gieo “mầm” nhân ái

Đời sống - Ngày đăng : 06:52, 19/08/2018

(HNM) - Mỗi tấm lòng, mỗi hành động nghĩa tình được ví như một hạt mầm nhân ái. Gieo hạt càng nhiều, vườn nhân ái càng nảy nở, sinh sôi, góp phần làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp.

Đông đảo bạn trẻ hiến máu tình nguyện tại lễ hội Xuân hồng 2018. Ảnh: Việt Hùng


Hội viên chữ thập đỏ đặc biệt

Chuyện về cụ Lê Thu (sinh năm 1932), trú tại số nhà 36/52, phố Tô Ngọc Vân, phường Quảng An (Tây Hồ) nhiệt tình tham gia các hoạt động thiện nguyện gây xúc động với bất kỳ ai chứng kiến. Đối với cụ, ngày mới thường bắt đầu bằng những câu hỏi: Có những ai, những hoàn cảnh nào cần sự giúp đỡ? Làm thế nào để người nghèo, người yếu thế có cuộc sống tốt đẹp hơn? Phải làm gì để tri ân người có công với cách mạng, phát triển phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”?...

Để trả lời cho những câu hỏi ấy, ngày nối ngày, cụ Lê Thu nhiệt tình tham gia vào các hoạt động thiện nguyện và trở thành hạt nhân của nhiều phong trào. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội tán trợ Chữ thập đỏ Thăng Long, phụ trách “Gian hàng từ thiện” của Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội tại địa chỉ 19/52 phố Tô Ngọc Vân, cụ Lê Thu và những người cùng chí hướng đã có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Tháng 7 vừa qua, cụ cùng đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội đi thăm hỏi, tặng quà 50 đối tượng chính sách tại huyện Vị Xuyên (Hà Giang); tặng 200 suất quà cho 200 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hà Giang; phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị chức năng cấp, phát thuốc bổ cho đối tượng chính sách ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác.

Là cựu cán bộ Nha Công an trung ương (tiền thân của Bộ Công an ngày nay), dịp này, cụ Lê Thu được mời tham dự nhiều hoạt động kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2018). Vì trách nhiệm với cộng đồng, cụ đã gác lại nhiều cuộc vui hội ngộ, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân giúp đỡ cho học sinh nghèo có cơ hội đến trường. Chứng kiến tấm lòng nhân ái cao cả của cụ, anh Trương Văn Hiếu, trú tại số nhà 40/48 phố Ngọc Khánh (Ba Đình) đến “Gian hàng từ thiện” ủng hộ 18 quyển vở học sinh cùng 1 túi quần áo; anh Vũ Thế Tuyến, Công ty TNHH Thế Anh ủng hộ 3 triệu đồng… Người có nhiều góp nhiều, người có ít ủng hộ ít, cứ như vậy, cụ Lê Thu đã góp phần nối dài nhịp cầu nhân ái giữa con người với con người.

Không chỉ tích cực tham gia các phong trào từ thiện, liên tục từ năm 2008 đến nay, cá nhân cụ Lê Thu và 3 người con trong gia đình còn dành khoảng 10 triệu đồng/năm hỗ trợ cho học sinh nghèo vượt khó hoặc cán bộ hưu trí có hoàn cảnh khó khăn ở phường Quảng An. “Còn sức khỏe, còn đi lại được, tôi còn tham gia vào các hoạt động nhân đạo. Mang lại niềm vui, niềm hy vọng đến cho người nghèo, người yếu thế cũng là niềm hạnh phúc của tôi”, cụ Lê Thu chia sẻ.

Những việc làm nhân ái

Cụ Lê Thu cùng đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách tại Hà Giang vào tháng 7 vừa qua.


Hoạt động vì mục đích nhân đạo, từ thiện, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội thu hút đông đảo thành viên thuộc mọi thành phần, lứa tuổi tham gia. Đến thời điểm này, mạng lưới chữ thập đỏ được thành lập ở tất cả các xã, phường, thị trấn, ở hàng nghìn trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội với gần 200.000 hội viên, tình nguyện viên, hơn 430.000 thanh, thiếu niên chữ thập đỏ. Các phong trào chữ thập đỏ đã vào đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà, giúp đỡ từng người.

Điển hình là cuộc vận động hiến máu tình nguyện đã thu về 1,2 triệu đơn vị máu trong giai đoạn 2008-2017. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố tiếp nhận hơn 100.000 đơn vị máu. Nguồn máu nhân đạo giúp cứu sống nhiều bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại. Tôi hiểu điều đó nên đã tham gia hiến máu nhân đạo hơn 30 lần và sẽ tiếp tục hiến đến khi nào sức khỏe cho phép”, chị Lê Thị Hà, xã Kim Thư (Thanh Oai) cho hay.

Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” thu hút hàng vạn lượt tổ chức, cá nhân ủng hộ, chia sẻ khó khăn với hàng nghìn nạn nhân da cam và gia đình họ. Chương trình “Ngân hàng bò”, tặng “Nhà chữ thập đỏ” mang đến cơ hội thoát nghèo cho nhiều gia đình. “Vì ốm đau, bệnh tật, thiếu tư liệu sản xuất, chúng tôi gắng gượng mãi vẫn bị cái nghèo đeo bám. Được các cấp hội Chữ thập đỏ tặng bò sinh sản, từ nay, gia đình tôi có cơ sở để nuôi dưỡng ước mơ thoát nghèo”, chị Nguyễn Thị Hiền, xã Cao Thành (Ứng Hòa) cho hay.

Trong trường học, hoạt động cứu trợ nhân đạo cũng đạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Từ nguồn quỹ ủng hộ, nhiều trường đã giúp đỡ, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi, tặng quà thương binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai… Theo bà Trần Thị Vinh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện cũng là cách giáo dục thế hệ trẻ phát triển theo hướng toàn diện, tạo điều kiện cho các em hình thành nhân cách, kỹ năng sống, biết sẻ chia, yêu thương, sống vì cộng đồng.

Đặc biệt, trong đợt mưa lũ vừa qua, các cấp hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội vận động được hàng trăm triệu đồng và nhiều đồ dùng thiết yếu hỗ trợ khẩn cấp cho các hộ dân bị ngập úng nặng ở huyện Chương Mỹ, Quốc Oai. Phong trào ủng hộ, hỗ trợ người dân vùng lũ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm. Ngoài những phong trào chữ thập đỏ, Hà Nội còn nhiều chương trình, hoạt động từ thiện khác. Chương trình nào cũng nhận được sự tham gia tích cực của nhân dân. “Điều đó phần nào cho thấy, truyền thống nhân ái, nhân văn và những giá trị văn hóa tốt đẹp luôn được người Hà Nội gìn giữ, phát huy”, ông Nguyễn Sỹ Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội khẳng định.

Hà Hiền