Người đi tìm ký ức hào hùng

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:13, 20/08/2018

(HNM) - Có một người từ nhiều năm nay cất công tìm gặp các nhân chứng để viết bài về sự hy sinh thầm lặng, những chiến công của Bộ đội Cụ Hồ. Đó là chị Phạm Thị Dần, ở thôn Tạ Xá, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội.


Tìm về những ký ức

Một ngày mưa, tôi tìm gặp và cùng chị Phạm Thị Dần đến thắp hương cho hai liệt sĩ Trương Văn Kỳ và Trần Văn Quăng. Trong câu chuyện ấm áp hoài niệm, anh Nguyễn Quang Lục, Bí thư Chi bộ thôn Cổ Trai, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên (cháu ông Trương Văn Kỳ) xúc động nói: “Gia đình tôi đã được chị Dần giúp đỡ tận tình trong sưu tầm tư liệu, góp phần vào việc hoàn thiện thủ tục gửi các cấp, đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho ông tôi…”.

Chị Phạm Thị Dần trong một lần đi gặp nhân chứng, tìm hiểu về quá trình hoạt động, chiến đấu của các liệt sĩ.


Anh Lục kể lại, ông Trương Văn Kỳ từng là Xã đội trưởng xã Đại Xuyên. Trong một trận càn của thực dân Pháp, ông Kỳ bị bắt. Dù bị nhiều đòn tra tấn dã man của kẻ thù, ông vẫn kiên trung không khai báo. Cuối cùng, kẻ địch đã chôn sống ông. Ông Kỳ đã được truy tặng liệt sĩ, song gia đình và đồng đội vẫn mong muốn Đảng, Nhà nước tôn vinh ông như một anh hùng bởi những công lao đóng góp cho Tổ quốc.

Biết câu chuyện của ông Kỳ, chị Dần đã đi gặp các nhân chứng để tìm hiểu về những công lao, đóng góp của ông. Vượt hàng chục cây số, gặp các cựu chiến binh: Trương Văn Giúp, Trương Văn Nhược, Nguyễn Văn Uy - những đồng đội của ông Kỳ, lắng nghe và ghi chép từng câu chuyện về quá trình tham gia chiến đấu, hy sinh của liệt sĩ, chị Dần đã viết bài báo “Một người bất tử” đăng trên Báo Cựu chiến binh Thủ đô ngày 19-11-2015.

Ngay sau đó, Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Xuyên, chính quyền địa phương đã tìm hiểu cặn kẽ và hoàn tất thủ tục gửi các cấp, đề nghị Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Trương Văn Kỳ.

Thắp nén hương thơm cho linh hồn liệt sĩ Trần Văn Quăng (xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên), chị Dần kể: Ông Quăng là du kích, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, nhưng cho đến năm 2014 vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Gia đình đã nhiều lần đi tìm tư liệu để chứng minh và sau đó đến gặp, nhờ chị Dần giúp đỡ.

Sau 4 năm tìm hiểu từ các nhân chứng và đồng đội về quá trình chiến đấu của ông Trần Văn Quăng, chị Dần đã viết bài “Nhớ về người du kích quả cảm” đăng trên Báo Lao động và Xã hội ngày 16-7-2015. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, làm thủ tục để truy tặng danh hiệu Liệt sĩ cho ông Trần Văn Quăng (vào tháng 8-2016).

Đây chỉ là hai trong số những tấm gương quả cảm mà chị Dần bỏ nhiều tâm sức tìm hiểu, viết bài tôn vinh họ như một sự tri ân với những con người đã ngã xuống vì Tổ quốc, vì nhân dân. Hiện 5 gia đình liệt sĩ được chị giúp đỡ đã hoàn thành tâm nguyện. Việc làm của chị đã làm
ấm lòng nhiều gia đình có người thân tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và cả đồng đội của những người đã khuất.

Tiếp nối những hành trình

Khi được hỏi nguyên cớ vì đâu mà chị lặng lẽ lần tìm về những miền ký ức chiến tranh, góp phần tôn vinh những người đã quên mình vì Tổ quốc và hành trình ấy có gặp khó khăn không, chị Dần cười, rồi nói: “Có chứ, gian nan nhiều lắm! Nhưng với tôi, đây là món nợ ân tình phải trả cho mảnh đất đã sinh ra mình”.

Chị cho biết, khi bắt tay vào việc mới thấy khó. Dù linh cảm sự việc là đúng, nhưng sẽ không làm được gì nếu chưa đủ chứng cứ. “Nhiều lần tôi đã bật khóc khi đứng trước mộ của các cụ hay khi tìm được nhân chứng, nhưng họ không thể xác nhận cho mình” - chị Dần chia sẻ.

Để tìm được tư liệu, chị Dần lặn lội tới từng cơ sở đã nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ, gặp các nhân chứng, cán bộ lão thành cách mạng, tìm hiểu ngọn nguồn để đưa vào hồ sơ. Có khi chỉ dựa vào bài thơ mà tìm ra tư liệu cần thiết. Đường xa, lại không biết đi xe máy nên nhiều khi chị phải đi bộ hàng chục cây số hoặc đi nhờ xe, cốt sao có thể đến nơi cần đến.

Việc tìm nhân chứng có lúc như “mò kim đáy bể”, người còn sống, người đã mất; có người, chị phải mất vài năm mới tìm gặp được để nghe họ kể về những năm tháng chiến đấu bên đồng đội của mình. Để có chứng cứ thuyết phục, nhiều lần chị làm video clip, ghi lại ý kiến của người có thẩm quyền, của nhân chứng để đưa vào hồ sơ.

Khi được hỏi về nguồn kinh phí lấy ở đâu, chị Dần cho biết: “Tôi tiết kiệm tiền từ nhuận bút viết bài, làm cộng tác viên cho một số tờ báo và làm đạo diễn sân khấu cho các chương trình văn nghệ. Hơn nữa, trong quá trình đi tìm tư liệu về liệt sĩ, tôi được nhiều người giúp đỡ rất tận tình”. Trong chiếc cặp dày cộp chị luôn mang theo, có những bộ hồ sơ đã hoàn thiện hoặc còn dang dở mà chị đang cất công tìm hiểu, sưu tập. “Họ được vinh danh thì tôi cũng cảm thấy mình được thơm lây” - chị Dần bộc bạch.

Giản dị, chân thật, điều đáng quý ở người con của đất Phú Xuyên này là một trái tim căng tràn nhiệt huyết, một tấm lòng nhân ái vô bờ, quên mình vì việc nghĩa. Tình cảm gắn bó với mảnh đất mình sinh ra, lớn lên đã thôi thúc cô học trò giỏi văn của Trường THPT Phú Xuyên A ngày nào say sưa viết về lịch sử văn hóa các vùng miền, viết về quê hương, về Bộ đội Cụ Hồ... Không phải nhà báo chuyên nghiệp, chỉ là người đam mê cầm bút, nhưng chị đã có nhiều bài báo đoạt giải cao ở các cuộc thi.

Công việc tìm kiếm tư liệu lịch sử tôn vinh những anh hùng liệt sĩ của chị dù khó khăn, vất vả, nhưng sẽ còn tiếp tục. Hiện chị Dần đang cùng gia đình ông Nguyễn Tạ Bân (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên) hoàn thiện hồ sơ làm thủ tục đề nghị Nhà nước công nhận danh hiệu Liệt sĩ cho ông Bân.

Bằng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” do Chủ tịch UBND TP Hà Nội trao tặng (tháng 6-2018), chị Phạm Thị Dần treo trang trọng trong căn nhà nhỏ và coi đó là niềm động viên rất lớn cho công việc chị đang theo đuổi. Thế nhưng chị bảo: “Phần thưởng vô giá đối với tôi là qua những bài viết của mình, thế hệ trẻ được biết đến sự hy sinh anh dũng của cha ông. Cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do hôm nay có mồ hôi, nước mắt, xương máu của các thế hệ hôm qua, để từ đó mỗi người càng trân quý hơn hiện tại, nỗ lực phấn đấu cho tương lai”.

Dương Linh