Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã: Để không “bình mới, rượu cũ”!

Kinh tế - Ngày đăng : 06:23, 20/08/2018

(HNM) - Để khắc phục tình trạng các hợp tác xã tồn tại hình thức, “bình mới, rượu cũ”, đòi hỏi bản thân các hợp tác xã, cơ quan quản lý cần có những bước đi cụ thể, đột phá, trong đó phải giải quyết cho được những tồn tại lâu nay...

Đóng gói sản phẩm rau xanh canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: Hữu Tiệp


6.400 hợp tác xã hoạt động yếu kém

Theo Bộ NN&PTNT, sau 5 năm triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, tình hình phát triển hợp tác xã nông nghiệp đã có chuyển biến, số lượng hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng. Đến hết quý II-2018, có 1.143 hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới, cao gấp hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2017. Dự kiến đến cuối năm 2018 có khoảng 1.800 đến 2.000 hợp tác xã được thành lập mới. Đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cho tăng trưởng GDP của cả nước trong 5 năm qua đạt trên 4%, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị tại cộng đồng; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả chiếm 45,3%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế hợp tác, hợp tác xã còn nhiều hạn chế, phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng. Hiện cả nước vẫn còn 6.400 hợp tác xã nông nghiệp yếu kém và 709 hợp tác xã yếu kém đã ngừng hoạt động, cần giải thể. Về vấn đề này, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, thực tế, nhiều hợp tác xã đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012, song nhiều nơi vẫn còn tình trạng “bình mới, rượu cũ”, chưa có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, sản phẩm chưa gắn với nhu cầu của thị trường...

Tại Hà Nội hiện có 1.284 tổ hợp tác, 1.717 hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân. Các hợp tác xã thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 được 1.452 đơn vị, chiếm 95%. Tuy nhiên, đa số các hợp tác xã quy mô nhỏ, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu vốn hoạt động, khó khăn trong mở rộng quy mô sản xuất; chất lượng đội ngũ cán bộ một số nơi chưa đạt yêu cầu; chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ của nhiều hợp tác xã còn thấp, chưa có sức hấp dẫn và lôi cuốn, chưa tạo được sức cạnh tranh trên thị trường...

Ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) cho biết, hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển hợp tác xã về đất đai, vốn, nguồn nhân lực... tuy đã có nhưng chưa đi vào cuộc sống.

Chẳng hạn, với Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn, thực tế, nhiều hợp tác xã khó tiếp cận vì không có tài sản thế chấp. Hơn nữa, việc đánh giá tài sản của ngân hàng trong quá trình chuyển đổi chưa phản ánh đúng thực tế, thiếu niềm tin vào mô hình hợp tác xã kiểu mới; thuế thu nhập doanh nghiệp còn "cào bằng" trong khi lợi nhuận kinh doanh của hợp tác xã rất thấp...

Chủ động chiến lược hoạt động

Chuỗi thịt lợn sạch A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long, một trong những mô hình kinh tế tập thể làm ăn hiệu quả tại Hà Nội. Ảnh: Lưu Phượng


Để khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác, hợp tác xã, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trước hết, cần xử lý dứt điểm việc giải thể, chuyển đổi sang loại hình khác đối với các hợp tác xã yếu kém đã ngừng hoạt động.

Theo đó, các địa phương hướng dẫn hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hoạt động từ dịch vụ đầu vào sang sản xuất hàng hóa; đưa giống mới có năng suất, chất lượng tốt, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật theo tiêu chuẩn an toàn và kết nối sản xuất với tiêu thụ... Ở góc độ địa phương, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tuyên Quang Đồng Mạnh Cường kiến nghị Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ hợp tác xã sát với thực tiễn.

Hằng năm, có đánh giá ưu điểm, nhược điểm của chính sách và điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành bố trí nguồn vốn ưu đãi cho đối tượng là các hợp tác xã theo quy định. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện cho vay đối với hợp tác xã.

Tại Hội nghị triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp có hiệu quả đến năm 2020 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 18-8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề cập đến việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là hợp tác xã; các địa phương xây dựng kế hoạch hành động, bổ sung các giải pháp lồng ghép nguồn lực, phân loại hợp tác xã để có phương hướng phù hợp.

Cụ thể về nguồn lực, Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài vốn ngân sách, vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, thì nguồn vốn tín dụng là rất quan trọng, vì vậy Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 55, tập trung vốn hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bộ NN&PTNT, các địa phương đánh giá lại đất đai và tài sản trên đất của các hợp tác xã, tạo điều kiện để các hợp tác xã có đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.

Nhấn mạnh về vấn đề liên kết, Phó Thủ tướng lưu ý dù hình thức liên kết nào thì cuối cùng vẫn phải gắn với tiêu thụ cho nông dân, cần bám sát chương trình mỗi làng một sản phẩm, khắc phục tình trạng được mùa, mất giá. Bên cạnh việc phát triển hợp tác xã, cần chú ý đến mô hình tổ hợp tác, đây là nguồn để phát triển lên hợp tác xã, đảm bảo cho mục tiêu 15.000 hợp tác xã đến năm 2020.

Thực tế cho thấy, kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã có tác động quan trọng đến tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế đất nước; nâng cao hiệu quả kinh tế cho thành viên, góp phần tạo việc làm cho người lao động và xóa đói, giảm nghèo bền vững. Vì vậy, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các cơ quan chức năng, các hợp tác xã cần nỗ lực, chủ động hơn trong chiến lược hoạt động, có phương thức sản xuất - kinh doanh phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện đại.

Thực hiện Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, mục tiêu đến năm 2020, Chính phủ yêu cầu duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng của hơn 4.400 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động tốt; có hơn 1.500 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp...

Ngọc Quỳnh