Lớp học bổ ích cho cán bộ chủ chốt cơ sở

Chính trị - Ngày đăng : 11:03, 20/08/2018

(HNM) - TP Hà Nội đã tổ chức 3 lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Với hình thức đào tạo tập trung; nội dung đổi mới, thiết thực…, theo nhiều học viên, đây thực sự là những lớp học bổ ích, giúp cán bộ cơ sở có thêm kiến thức, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ.

Nghiêm túc tham gia lớp học

Lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn là bước cụ thể hóa Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020” (được phê duyệt tại Quyết định số 2315/QĐ-UBND ngày 17-4-2017 của UBND TP Hà Nội). Theo đó, mỗi lớp học có 90 học viên, nghiên cứu 32 chuyên đề trong 32 ngày học tập trung liên tục (không kể thứ bảy, chủ nhật).



Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, mục đích lớp bồi dưỡng hướng đến là nâng cao năng lực nghiệp vụ theo chức danh để xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình điều hành nhiệm vụ chính quyền ở cơ sở. Do đó, chương trình bồi dưỡng được xây dựng trên cơ sở xác định những điểm còn yếu đối với đội ngũ lãnh đạo cấp xã, phường, thị trấn. Ngoài lý thuyết, lý luận chung về Nhà nước, pháp luật, hệ thống chính trị…, ban tổ chức bổ sung nội dung về tình hình thế giới, khu vực và Việt Nam cũng như xu hướng phát triển trong thời gian tới để nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở.

Đặc biệt, lớp học do các nhà khoa học, giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Hành chính quốc gia trực tiếp giảng dạy. Ngoài ra, thành phố mời các chuyên gia nước ngoài thông tin về tình hình quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sau mỗi lớp học, ban tổ chức đều đánh giá rút kinh nghiệm để kịp thời bổ sung chương trình cho phù hợp với thực tiễn.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch UBND xã Tốt Động (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Trọng Trận cho biết: “Lãnh đạo huyện đã quán triệt về tầm quan trọng của lớp bồi dưỡng này, bản thân tôi cũng xác định đi học để có thêm kiến thức nên đã tự nguyện đăng ký. Trước yêu cầu học tập trung để bảo đảm chất lượng nên tôi đã bàn giao công việc để chú tâm cho việc học”.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu (quận Đống Đa) Nguyễn Thị Vân Anh: “Việc tổ chức lớp học cho thấy, thành phố rất quan tâm đến đội ngũ lãnh đạo cấp xã. Tôi xác định, đã tham gia lớp học là cố gắng thu xếp công việc khác để thực hiện đúng, đủ quy định của lớp học, hoàn thành tốt chương trình”.

Giúp cán bộ có kỹ năng tốt

Là một trong những học viên tốt nghiệp khóa 2 với chứng chỉ loại Giỏi, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) Vũ Văn Hà cho biết: “Là phó chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực kinh tế nên tôi thấy, điều hữu ích nhất đó là lớp học đã trang bị nhiều kiến thức trong lĩnh vực quản lý xã hội và giải quyết công việc tại địa phương. Qua đó, tôi đã vận dụng để giải quyết các vụ việc về đất đai, khiếu kiện… hiệu quả. Trong đó, điều quan trọng là phải tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, từ đó tìm cách gỡ “nút thắt” chứ không áp đặt”.

Cũng tốt nghiệp khóa 2 với chứng chỉ loại Giỏi, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ: “Với chúng tôi, lớp học rất bổ ích. Sau từng chuyên đề, chúng tôi phải có bài viết về thực tế nội dung đó ở địa phương mình và đề xuất phương án giải quyết đối với những vấn đề còn hạn chế. Không những thế, các học viên còn được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc xử lý tình huống. Qua đó, mỗi người nâng cao ý thức, trách nhiệm cũng như kỹ năng điều hành công việc”.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy, các học viên được tham gia lớp học đều rất phấn khởi và có trách nhiệm. Từng cán bộ đi học với tâm thế mong muốn được tiếp thu những kiến thức mới để về áp dụng vào thực tế ở địa phương. Đặc biệt, mỗi lớp học sẽ có 10% học viên đạt kết quả cao được thành phố lựa chọn, cử đi tìm hiểu thực tế mô hình chính quyền cấp xã ở một số nước để học tập theo 2 mô hình: Phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao và quản lý phát triển kinh tế - xã hội ở đô thị.

Đến thời điểm này, sự ghi nhận, đánh giá về các lớp học khá thành công, chất lượng và mang lại hiệu quả trong thực tiễn. Tuy nhiên, để bảo đảm kịp thời điều chỉnh, bổ sung các nội dung phù hợp vào chương trình bồi dưỡng, ban tổ chức cần sớm khảo sát, đánh giá hiệu quả thực tế ở cơ sở. Cùng với việc mời các giảng viên nước ngoài cũng cần tìm các phiên dịch viên tốt giúp truyền đạt đầy đủ nội dung tới các học viên.

Theo Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020” sẽ có 1.432 chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý, thực thi công vụ, nhiệm vụ. Đến nay, thành phố đã tổ chức được 3 lớp với gần 270 học viên, trong đó có 2 lớp đã bế giảng. Dự kiến có 14 lớp nữa sẽ được thành phố tổ chức trong thời gian tới.


Phong Thu