Bác Tôn - tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:41, 21/08/2018

(HNM) - Đồng chí Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức của người cán bộ lãnh đạo: Suốt đời cần, kiệm, liêm, chính...

Lãnh đạo TP Hà Nội và tuổi trẻ Thủ đô dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Ảnh: Bá Hoạt


“Thiếu một đức, thì không thành người”

Năm 1958, trong lời "Chúc mừng đồng chí Tôn Ðức Thắng thọ 70 tuổi", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Ðồng chí Tôn Ðức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: Suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân".

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh - "Cần, kiệm, liêm, chính" là nội dung cốt lõi của đạo đức cách mạng, là căn bản của đạo đức con người, đặc biệt là người cán bộ, đảng viên. Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Cần và Kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người. Liêm là trong sạch, không tham lam. Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn.

Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 92 năm cuộc đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng, con người đồng chí Tôn Đức Thắng luôn rạng ngời bốn đức tính quý báu: Cần, kiệm, liêm, chính. Những đức tính ấy đã làm nên khí chất con người Bác Tôn, như Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định: “… Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng... Tinh túy của chất người ấy là lòng thương nước, yêu dân, niềm ưu ái với đồng bào, đồng chí, niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng, mặc dù mọi khó khăn gian khổ, tinh thần một lòng một dạ phục vụ nhân dân, đức chí công, vô tư quên mình, sự khiêm tốn, giản dị hồn nhiên, trong sáng. Đó là chất cách mạng tinh khiết không gì làm phai nhạt được, từ thuở thanh niên đến cuối đời, vượt qua muôn trùng thử thách, ngày càng ngời lên đẹp đẽ và cao quý”.

Một đời thực hành đạo đức cách mạng

Sinh thời, Giáo sư Trần Văn Giàu từng nhận định, đồng chí Tôn Đức Thắng là một người hành động, một người có lẽ không có ý gì muốn để lại cho đời sau bằng các tác phẩm của mình. Nhưng thực tế đồng chí đã để lại cho đời sau rất nhiều “tác phẩm” bằng hành động, bằng việc làm và những lời nói. Đó là những tác phẩm hay hơn nhiều những bài viết...

Đúng vậy, bốn đức tính: Cần, kiệm, liêm, chính đã được đồng chí Tôn Đức Thắng thực hành hằng ngày, biểu hiện trong mọi hoạt động xuyên suốt cuộc đời. Trước hết là 15 năm ở trong ngục tù thực dân Côn Đảo, nhờ ý chí kiên cường cùng sự cần cù, siêng năng, dẻo dai, đồng chí không khuất phục trước đòn thù. Không những thế, Bác Tôn còn cùng đồng chí của mình biến nhà tù thành lò luyện ý chí, trường học cộng sản. Hồi ký “Tôn Đức Thắng - Người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết” ghi: Trong tù Bác Tôn là anh Hai Thắng hay già Thắng nổi tiếng kiên quyết, nhân nghĩa, trong sáng, hiền hòa và không nề hà bất cứ việc gì... Làm dân vận trong tù, cứ trường hợp nào khó khăn, gặp các “tay” lý luận sắc sảo là già Thắng vào cuộc và bảo đảm thành công.

Sau này, khi đã đảm nhiệm nhiều trọng trách của đất nước, đồng chí Tôn Đức Thắng vẫn duy trì nếp sống và tác phong của người công nhân, lao động. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết: "Bác Tôn là con người vô cùng giản dị, vẫn là người công nhân, vẫn giữ cái búa, cái kìm...". Đồng chí và gia đình duy trì nếp sống khiêm tốn, ăn uống, sinh hoạt tiết kiệm. Cán bộ, nhân viên vẫn thấy đồng chí tự sửa chữa, lau chùi chiếc xe đạp của mình và nhiều vật dụng khác trong gia đình không phiền đến người khác. Có lần, được tặng Giải thưởng Lênin "Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc" và kèm theo mười vạn rúp, Bác Tôn đã ủng hộ số tiền này cho Phong trào bảo vệ thiếu nhi Thủ đô... Bác Tôn tiết kiệm không chỉ cho mình mà dành để quan tâm đến những thân phận khó khăn trong xã hội, để chăm lo cho đồng chí, đồng bào.

Ở Bác Tôn, còn sáng ngời phẩm chất liêm, chính. Dù giữ cương vị lãnh đạo cao của Đảng, Nhà nước, nhưng suốt đời đồng chí Tôn Đức Thắng hết lòng, hết sức tận tụy phục vụ cách mạng và nhân dân, không ham danh lợi, không đòi hỏi cho riêng mình; luôn gần gũi với đồng chí, đồng bào, nói ít làm nhiều. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng từng nhận định: “Không phải dễ thành bất tử như Bác Tôn - Ủy viên Trung ương Đảng nhiều năm, đứng đầu Mặt trận đoàn kết dân tộc hàng mấy thập kỷ liền, thay Bác Hồ giữ cương vị Chủ tịch nước - nhưng chưa một lần Bác tỏ ra là con người có quyền lực, ham quyền lực, tự nhận là lãnh tụ. Bác thích vị trí một đảng viên cộng sản như mọi đảng viên, thích vị trí công dân trung thực, lương thiện, cố mang điều tốt, cố mang niềm vui, cố giảm nỗi đau cho đồng bào...”.

Cũng giống đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đạo đức con người Chủ tịch Tôn Đức Thắng thực sự vĩ đại trong những điều bình thường, bình thường một cách vĩ đại. Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Bác Tôn càng cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng để xây dựng cho được đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Võ Lâm