Bảo đảm lợi ích sau cổ phần hóa
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 22/08/2018
Tại sao lại như vậy? Trước hết, phải thẳng thắn nhìn nhận là vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt vào cuộc, thậm chí có tâm lý quá thận trọng, sợ sai, đối phó; hoặc có suy nghĩ cổ phần hóa có thể làm mất đi “con gà đẻ trứng vàng” nên động lực không cao…
Còn những nơi, những doanh nghiệp “nhiệt tình”, thấy được lợi ích trước mắt, lâu dài khi thoái vốn, cổ phần hóa thì bị trở ngại bởi các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động này chưa đầy đủ, chồng chéo hoặc lúng túng khi áp dụng chính sách mới, dẫn đến việc tham chiếu, vận dụng gặp khó khăn. Nổi lên là vấn đề định giá doanh nghiệp khá phức tạp. Đặc biệt với việc định giá tài sản đất đai để đưa vào cổ phần hóa vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều lô “đất vàng” có giá thị trường rất cao, nhưng đưa vào xác định tài sản của doanh nghiệp khi cổ phần hóa lại thấp…
Chưa kể còn nhiều rào cản khác như nhân sự hạn chế nên thông tin cung cấp cho doanh nghiệp chưa đầy đủ. Đáng nói, có không ít đơn vị chưa chuẩn bị tốt việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO); hoặc còn lúng túng trong việc cân nhắc, hài hòa giữa mục tiêu tối đa hóa số tiền thu về cho cổ đông nhà nước, với việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược giúp phát triển doanh nghiệp.
Phải khẳng định rằng, thoái vốn, cổ phần hóa chỉ là cách thức, đích cuối cùng là nâng cao năng lực quản trị, lợi ích và hiệu quả đóng góp cho đất nước của doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, cùng với việc khắc phục những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch Chính phủ đã đề ra thì vấn đề quan trọng nhất là doanh nghiệp phải có được sự phát triển bền vững sau cổ phần hóa, thoái vốn, đồng thời bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước khi bán cổ phần.
Muốn vậy, các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, cũng như nghị quyết của Quốc hội và Đề án mà Chính phủ đã phê duyệt.
Về những vấn đề cụ thể hơn có thể thấy, nhà đầu tư chiến lược có vai trò rất quan trọng sau thoái vốn, cổ phần hóa, do đó doanh nghiệp cần có cách tiếp cận linh hoạt trong việc chọn nhà đầu tư. Tùy từng trường hợp, đặc biệt với doanh nghiệp lớn có giá trị cao, cần khéo léo chọn nhà đầu tư dựa vào hồ sơ, lịch sử, cam kết, chứ không nên chỉ chọn giá.
Cùng với đó, các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa nếu đủ điều kiện thì phải nhanh chóng niêm yết trên thị trường chứng khoán, vì chỉ niêm yết mới thu hút nhanh nguồn lực đầu tư, thể hiện sự minh bạch thông tin kết quả sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, quyền cổ đông tại các doanh nghiệp cần được thể hiện một cách chuyên nghiệp và hướng tới mục tiêu cao nhất là tổ chức đầu tư kinh doanh hiệu quả, tuân thủ nguyên tắc thị trường, nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế.
Công tác cán bộ trong doanh nghiệp nhà nước là việc rất hệ trọng, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, lựa chọn người có đủ tâm và tầm để đưa vào vị trí chủ chốt. Hơn nữa, cần bảo đảm vấn đề an sinh xã hội cho người lao động khi cổ phần hóa.
Việc thoái vốn, cổ phần hóa là vì “sức khỏe” của doanh nghiệp nhà nước, rộng hơn là sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế. Do đó phải bảo đảm lợi ích cho Nhà nước tốt nhất, huy động nguồn lực xã hội tốt nhất và lợi ích sau cổ phần hóa tốt nhất.