Những lưu ý khi chăm sóc trẻ sau tiêm chủng

Sức khỏe - Ngày đăng : 15:26, 22/08/2018

(HNMO) - Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất cho trẻ. Để bảo đảm an toàn tiêm chủng, bên cạnh chất lượng vắc xin và quy trình kỹ thuật của nhân viên y tế, việc chăm sóc sức khỏe của trẻ sau tiêm phòng cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm phòng

Sau khi trẻ được tiêm chủng, các bậc phụ huynh cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.

Trong vòng 1-2 ngày sau tiêm chủng, theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà về các dấu hiệu như tinh thần, ăn, ngủ, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Quan sát trẻ thường xuyên, chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm. Người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ. Nếu trẻ sốt, cần cặp nhiệt độ và theo dõi, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Sau tiêm phòng, cha mẹ cần theo dõi vết tiêm của trẻ để phát hiện dấu hiệu bất thường (nếu có).


Đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất nếu trẻ có các dấu hiệu như sốt cao (trên 39°C), co giật, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú, phát ban… Nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của con mình sau khi tiêm chủng, hãy đến gặp cán bộ y tế để được khám và tư vấn.

Không đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm

Trên một số diễn đàn dành cho các mẹ nuôi con nhỏ, một số bà mẹ chia sẻ kinh nghiệm giảm đau cho trẻ sau tiêm bằng cách chườm lòng trắng trứng gà, khoai tây... lên vết tiêm. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, các bà mẹ lưu ý không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Phó Trưởng Ban điều hành dự án Tiêm chủng mở rộng lý giải: “Việc đắp lòng trắng trứng gà, khoai tây... có thể gây nhiễm trùng vết tiêm, thậm chí nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến nhiễm trùng máu”.

Theo bà Dương Thị Hồng, sau tiêm chủng, trẻ có thể gặp phản ứng tại chỗ như sưng, đau tại chỗ tiêm…Đây là một phần đáp ứng miễn dịch của cơ thể và phản ứng này thường tự khỏi. Nếu vết tiêm có dấu hiệu sưng, đau lan rộng, trẻ quấy khóc nhiều, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cán bộ y tế thăm khám và xử trí kịp thời.

Hồng Anh