Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ

Kinh tế - Ngày đăng : 06:16, 22/08/2018

(HNM) - Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho thấy, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước đang chậm so với kế hoạch...

Doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải niêm yết trên thị trường chứng khoán đúng thời hạn. Ảnh: Sơn Hà


Thu hơn 28.055 tỷ đồng

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 19 doanh nghiệp nhà nước, bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017, với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.672,09 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là 23.084,23 tỷ đồng. 16 doanh nghiệp đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và bán cho cổ đông chiến lược, thu về 22.457,29 tỷ đồng, gấp 4,5 lần số thu từ IPO của năm 2017. Trong số này, có một số doanh nghiệp quy mô lớn như: Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Thương mại Hà Nội.

Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, địa phương đã thoái vốn tại 42 doanh nghiệp, với giá trị sổ sách 1.813 tỷ đồng, thu về 5.598 tỷ đồng, gấp 3,08 lần giá trị sổ sách. Như vậy, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28.055,29 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của giai đoạn 2011-2015.

Nhận xét về kết quả cổ phần hóa, thoái vốn 6 tháng đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng quá trình cổ phần hóa, thoái vốn đang đi vào thực chất, có chiều sâu. Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm.

Theo Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long, năm 2018, có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, nhưng đến nay, mới thoái vốn tại 10 doanh nghiệp. Nguyên nhân chính là việc ban hành một số văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp còn vướng mắc, lúng túng trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn theo các quy định mới.

Đơn cử, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hằng năm, định giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử… quy định tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP ngày 8-3-2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13-10-2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, cần được tháo gỡ, cụ thể hóa. Đặc biệt, một số doanh nghiệp không bán được cổ phần cho cổ đông chiến lược theo phương án được duyệt do quá thời hạn 4 tháng sau IPO theo quy định tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16-11-2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, như các tổng công ty: Dầu, Điện lực dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn...

Đẩy nhanh tiến độ

Hapro là một trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa. Ảnh: Hải Anh


Phân tích về việc cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, ông Trần Văn Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, tuy cơ chế chính sách về lĩnh vực này đã có nhưng các doanh nghiệp tham gia cổ phần hóa đến giai đoạn hiện nay đều có quy mô rất lớn. Các tổng công ty, tập đoàn hầu hết có vốn nhà nước lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo quy định mới, doanh nghiệp cổ phần hóa không phải điều chỉnh lại sổ sách kế toán như trước đây nên buộc phải xử lý tài chính, lập phương án xử lý đất đai trước khi xác định giá trị doanh nghiệp và quá trình này tốn khá nhiều thời gian.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn theo yêu cầu của Chính phủ, ông Trần Văn Hiền cho rằng, các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, chủ sở hữu có doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa phải đẩy nhanh xử lý tài chính, lập phương án sử dụng đất, tiến hành khẩn trương các bước cổ phần hóa để thực hiện theo đúng quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì đề nghị các tập đoàn, tổng công ty, chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước báo cáo ngay với cấp thẩm quyền để kịp thời xử lý hoặc báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét, tháo gỡ. Mặt khác, cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn.

Chỉ đạo xử lý việc cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung đề xuất giải pháp để tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ và chất lượng của quá trình cổ phần hóa, thoái vốn. Để hoàn thành nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo cần nhanh chóng hoàn thiện báo cáo kế hoạch triển khai trong những tháng cuối năm 2018 làm cơ sở để đôn đốc, giám sát doanh nghiệp; các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về cổ phần hóa, bán vốn.

Về những vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các sở tham mưu kịp thời cho lãnh đạo địa phương xác định kế hoạch sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa để bảo đảm tiến độ. Bộ Tài chính công khai các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa mà không niêm yết trên thị trường chứng khoán đúng thời hạn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bộ, ngành, địa phương, đơn vị chậm trễ cổ phần hóa, thoái vốn, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Đức Anh