Tây Ninh nên trở thành trung tâm chế biến nông sản chất lượng cao của cả nước

Chính trị - Ngày đăng : 06:25, 22/08/2018

Sáng 21-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Tây Ninh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Tây Ninh có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội: Hầu như không bị bão, lũ lụt, giá rét; đất đai bằng phẳng, phì nhiêu; có trục đường xuyên Á đi qua và 240km đường biên giới gắn với hai cửa khẩu quốc tế, là cửa ngõ giao lưu thương mại, hợp tác đầu tư phát triển kinh tế với Campuchia và khu vực ASEAN…

Về kết quả phát triển kinh tế -xã hội, tỉnh đã kịp thời triển khai và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương nhằm tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Các dự án đầu tư được đôn đốc, tạo điều kiện triển khai. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Thu hút đầu tư đạt kết quả khá tích cực, tăng 4,4 lần so với cùng kỳ. Thu ngân sách bảo đảm cân đối được nhiệm vụ chi theo dự toán. Các hoạt động văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm...

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Tây Ninh có nhiều điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ quốc phòng an ninh không chỉ trước mắt mà còn lâu dài.

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất với cách làm tốt, mở ra giai đoạn mới, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Thủ tướng đề nghị tỉnh nghiên cứu, nhân rộng những mô hình hiệu quả này trong thời gian tới.

Cùng với đó, Tây Ninh cần đặc biệt chú trọng đến công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại qua các cửa khẩu. Đi đôi với phát triển kinh tế, tỉnh cần chú ý gìn giữ môi trường sinh thái bền vững cho người dân, nhất là môi trường rừng. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục mở rộng các mô hình chế biến sâu và các mặt hàng sản xuất, dịch vụ khác; phấn đấu đến năm 2020, Tây Ninh sẽ cân đối được chi thường xuyên, không cần trợ cấp của trung ương. "Tây Ninh cần trở thành hình mẫu trung tâm sản xuất, chế biến nông sản chất lượng cao của cả nước, một hình mẫu đi lên, làm giàu từ nông nghiệp" - Thủ tướng gợi ý.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ, ngành liên quan đề xuất cơ chế, chính sách theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Tây Ninh với những phương án cụ thể trên tinh thần sử dụng có hiệu quả nhất nguồn vốn từ đất đai, qua đó, hình thành nguồn lực triển khai các dự án nâng cấp hạ tầng; chú trọng hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biên giới.

Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải trong tháng 9, trình Chính phủ phê duyệt phương án tiền khả thi tuyến đường TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài để có phương án giải phóng mặt bằng. Qua đó, tiếp tục triển khai tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài từ các nguồn lực khác nhau, sớm khởi công trong năm 2019. Về tuyến đường Gò Dầu - Xa Mát, Thủ tướng giao tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư để đề xuất cơ chế phù hợp triển khai trên thực tế.

* Trong chuyến công tác tại tỉnh Tây Ninh, sáng cùng ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, làm việc với cán bộ, công nhân nông trường mía đường tại xã Thành Long, huyện Châu Thành.

Nông trường có diện tích 1.000ha nguyên liệu, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong các khâu sản xuất. Nông trường đã liên kết với các hợp tác xã để trồng mía, mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân, bảo đảm nguyên liệu cho nhà máy sản xuất đường.

Làm việc với cán bộ, người lao động, Thủ tướng đánh giá cao nông trường đã áp dụng mô hình sản xuất hiện đại, vừa cơ giới hóa, vừa ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sản xuất quy mô lớn với hạ tầng đồng bộ, gắn kết được với người nông dân và hợp tác xã. Qua đó, giúp năng suất mía cao, chất lượng tốt, hiệu quả vượt trội so với sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất ra sản phẩm đường organic có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu mô hình này để rút kinh nghiệm trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị trong ngành mía đường với quy mô lớn, hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh.

* Cùng ngày, Thủ tướng đã tới thăm Nhà máy Chế biến nông sản Tanifood. Đây là một dự án do Công ty Lavifood làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng từ giữa năm 2017 trên diện tích 15ha, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, gồm dây chuyền sản xuất trái cây, rau quả tươi, xử lý nhiệt với công nghệ hiện đại của thế giới và đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 11-2018, nhà máy sẽ tiêu thụ 500 tấn nguyên liệu/ngày với các mặt hàng xoài, dứa, thanh long...

Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác, lãnh đạo nhà máy cho biết, đây là mô hình chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ. Dự kiến ngay khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ ký hợp đồng xuất khẩu trị giá khoảng 100 triệu USD.

Vui mừng về những định hướng phát triển quan trọng của Tanifood, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dư địa phát triển lĩnh vực nông nghiệp của nước ta còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao ngày càng gia tăng. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Tây Ninh hỗ trợ nông dân để chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu cho nhà máy, tránh tình trạng nhà máy xây dựng xong không có nguyên liệu để hoạt động. Cùng với đó phải bảo đảm giá cả thu mua ổn định cho người nông dân.

* Nhân dịp công tác tại Tây Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, tặng quà Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Điền (Mười Thương), nguyên cán bộ an ninh tỉnh Tây Ninh - người nổi tiếng trong và ngoài nước với ba lần ám sát hụt Ngô Đình Diệm, bị địch bắt giữ, giam cầm qua nhiều nhà tù. 

TTXVN