Đẩy mạnh xã hội hóa giám định tư pháp
Đời sống - Ngày đăng : 07:10, 23/08/2018
Khó khăn trong công tác giám định tư pháp được nhiều chuyên gia chỉ rõ, đó là sự quá tải về công việc, chưa có chế độ đặc thù cho việc đào tạo và đãi ngộ. Đã có không ít giám định viên tư pháp xin chuyển công tác khác vì công việc quá nặng nhọc, nhất là giám định tử thi. Còn các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần không thể tuyển thêm người mới, khiến việc trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều khó khăn.
Phó Chánh Thanh tra cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Trần Đăng Phi nêu thực tế tại đơn vị mình: Việc trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng gửi đến những năm gần đây quá nhiều trong quá trình giải quyết vụ án kinh tế, tiền tệ, ngân hàng. Trong bối cảnh biên chế ngày càng giảm, từ năm 2015 đến tháng 6-2018, Ngân hàng Nhà nước phải “căng mình” thành lập 88 đoàn thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan tố tụng, trong khi kinh phí giám định, chế độ bồi dưỡng chưa được thanh toán đầy đủ.
Nhiều địa phương cũng gặp khó khăn tương tự. Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, số vụ việc phải tiếp nhận giám định kỹ thuật hình sự và pháp y trên địa bàn thành phố tăng hằng năm. Đội ngũ giám định viên gồm 137 người giám định tư pháp theo vụ việc và cán bộ của hai tổ chức giám định tư pháp công lập nhiều thời điểm theo không kịp. Do đó, việc giải quyết có lúc tồn đọng, thời gian giám định kéo dài.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến thông tin: “Có những cán bộ pháp y đã bị người phạm tội hại chết ngay trong trung tâm giám định”. Theo ông Tiến, chẩn đoán một số bệnh lý dù có khó khăn nhưng còn có thể làm nhanh; với đối tượng tâm thần có khi mất nhiều thời gian vẫn không kết luận chính xác được. Vì thế, có nhiều vụ án phải lật đi lật lại. Nhận định lĩnh vực này vô cùng khó khăn trong thu hút nhân lực, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ ban hành quyết định về chế độ phụ cấp cho giám định viên và người giúp việc trong lĩnh vực pháp y, cùng nhiều ưu đãi khác.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước chưa có cơ quan giám định công lập, các giám định viên là kiêm nhiệm, ông Trần Đăng Phi kiến nghị, chỉ khi nào cơ quan tố tụng có quyết định khởi tố vụ án hình sự thì Ngân hàng Nhà nước mới thực hiện trưng cầu giám định thuộc lĩnh vực ngân hàng. Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho rằng, trước tiên cần đẩy mạnh xã hội hóa giám định tư pháp những lĩnh vực mà các cơ quan tiến hành tố tụng có nhu cầu giám định rất lớn như tài chính, ngân hàng.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 01/2014/QĐ-TTg ngày 1-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp cho phù hợp với thực tế; đồng thời tính đến việc sửa đổi Luật Giám định tư pháp với các quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trách nhiệm của giám định viên để ràng buộc khi thực hiện nhiệm vụ, từ đó cơ quan trưng cầu giám định cũng yên tâm khi sử dụng các kết luận giám định. Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất thành lập Tổ tư vấn liên ngành về giám định tư pháp gồm, đại diện Ban Nội chính Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an. Đây sẽ là đầu mối tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về giám định tư pháp, đặc biệt là trong quá trình chỉ đạo, giải quyết án kinh tế, tham nhũng.