Thời khắc khó khăn của ông chủ Nhà Trắng

Thế giới - Ngày đăng : 06:22, 24/08/2018

(HNM) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải trải qua thời điểm khắc nghiệt nhất trong gần 600 ngày tại nhiệm tại Nhà Trắng sau khi cựu luật sư riêng thừa nhận sai phạm liên quan đến quy định về tài chính trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng của nhà lãnh đạo này năm 2016.

Hai nhân vật Paul Manafort (trái) và Michael Cohen đang trở thành “cú giáng kép” vào uy tín của Tổng thống D.Trump.


Tại Tòa án Liên bang ở New York, ông Michael Cohen đã nhận 8 tội danh gồm: 5 tội danh về trốn thuế, 1 tội danh về thông báo sai với một tổ chức tài chính, 1 tội danh về cố ý tạo ra một khoản đóng góp bất hợp pháp của công ty và 1 tội danh về tạo ra một khoản đóng góp quá mức cho chiến dịch tranh cử. Vị cựu luật sư 51 tuổi này còn thừa nhận đã gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016 bằng các khoản thanh toán huy động từ nhiều nguồn theo chỉ đạo của một ứng cử viên tranh cử cấp liên bang nhằm dập đi những tin tức bất lợi có nguy cơ lan rộng.

Không chỉ chịu sức ép lớn từ vụ việc của cựu luật sư M.Cohen, uy tín của Tổng thống D.Trump còn bị ảnh hưởng bởi cựu quản lý chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 Paul Manafort - người vừa bị tuyên 8 tội danh liên quan đến sai phạm tài chính và gian lận thuế. Mặc dù các tội danh trên không liên quan đến ông D.Trump, song phiên xét xử ông P.Manafort có liên quan đến vai trò của nhân vật này trong tham vấn cho các chính trị gia thân Nga ở Ukraine, trong thời gian điều hành và quản lý chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông D.Trump.

Điều đáng nói, hai ông P.Manafort và M.Cohen đều nằm trong danh sách điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller nhằm làm rõ nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Lâu nay, ông chủ Nhà Trắng và các cộng sự thân thiết trong Quốc hội Mỹ cũng như báo chí cánh hữu thường coi cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ mang động cơ chính trị. Không ít lần, Tổng thống Mỹ đã công kích cuộc điều tra, thậm chí đưa ra những chỉ trích trực diện vào Công tố viên đặc biệt R.Mueller. Tuy nhiên, diễn biến mới đây đã đưa cuộc điều tra của ông R.Mueller sang ngã rẽ mới, khi lời thú tội của ông M.Cohen có thể dẫn tới cuộc điều tra thứ hai nhằm vào người đứng đầu nước Mỹ.

Theo nhà bình luận Chris Cillizza của kênh tin tức CNN, trong vụ sai phạm của ông M.Cohen, nếu Tổng thống D.Trump biết các khoản thanh toán thì có thể bị buộc tội vi phạm luật tài chính bầu cử vì không khai báo các khoản thanh toán bất hợp pháp. Trước đó, hồi tháng 5, ông D.Trump đã thừa nhận bồi hoàn cho ông M.Cohen khoản tiền 130.000 USD vào đêm trước cuộc bầu cử. Đoạn ghi âm năm 2016 do ông M.Cohen công bố trước tòa cũng cho thấy, ông D.Trump đã được thông báo về các khoản thanh toán. Điều này có nghĩa, nhà lãnh đạo Mỹ đang đối mặt với thách thức chính trị và pháp lý rất lớn, thậm chí có thể đe dọa chiếc ghế Tổng thống, nhất là trong bối cảnh ông D.Trump đang tích cực vận động tranh cử cho đảng Cộng hòa trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

Trước tình hình có phần bất lợi, Tổng thống D.Trump đang đặt mục tiêu tái triển khai chiến lược “thắng lớn hoặc về nhà” trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Theo đó, trong khoảng thời gian từ nay tới trước ngày bầu cử, người đứng đầu nước Mỹ sẽ dành ít nhất 40 ngày để tới các bang vận động cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa tranh cử tại cả Hạ viện, Thượng viện và ghế Thống đốc các bang. Tuy nhiên, khả năng duy trì thế đa số tại Hạ viện đang rất mong manh khi một số ứng cử viên Dân chủ đã giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử gần đây tại những bang “màu đỏ”, vốn là khu vực truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa. Chắc chắn rằng, các ứng cử viên của đảng Dân chủ sẽ không bỏ qua cơ hội hiếm hoi này để đảo ngược tình thế sau thất bại cay đắng của mùa bầu cử cách đây 2 năm.

Quỳnh Dương