Đề xuất lắp camera cho ô tô kinh doanh vận tải: Có thêm "giấy phép con"?
Giao thông - Ngày đăng : 06:03, 24/08/2018
Theo đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải, xe khách sẽ phải gắn thêm camera. Ảnh: Bá Hoạt |
Khoảng 340.000 xe phải lắp đặt thiết bị
Lộ trình lắp camera áp dụng theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) vừa trình Chính phủ là: Trước ngày 1-7-2022 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, xe du lịch từ 9 chỗ trở lên; trước ngày 1-7-2023 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe container, xe đầu kéo kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc; trước ngày 1-7-2024 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 20 tấn trở lên và trước ngày 1-7-2025 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ.
Đáng chú ý, nếu dự thảo Nghị định được thông qua thì khoảng 340.000 ô tô kinh doanh vận tải sẽ phải thay mới thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để giám sát cả phương tiện và người lái. Ngoài ra, Bộ GT-VT đề xuất thêm nội dung dữ liệu giám sát hành trình phải lưu trữ như thông tin về thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày...
Đại diện Bộ GT-VT cho biết, quy định này nhằm tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Cụ thể, Bộ Tư pháp đề nghị cần quy định rõ yêu cầu về thông tin mà thiết bị giám sát hành trình phải đáp ứng tối thiểu. Các nước tiên tiến trên thế giới quy định bắt buộc lắp camera trên xe để giám sát cả phương tiện và người điều khiển phương tiện. Quy định nói trên cũng nhằm thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2018 mới đây. Theo tính toán của Bộ GT-VT, trên thị trường, giá một bộ thiết bị giám sát hành trình có chức năng ghi nhận và truyền dữ liệu hình ảnh khoảng 4-5 triệu đồng. Cùng với đó, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120.000 đồng/xe/tháng, tổng chi phí lắp đặt thiết bị mới đối với các doanh nghiệp lên tới 1.500-1.900 tỷ đồng kèm theo chi phí duy trì máy chủ và đường truyền khoảng 500 tỷ đồng/năm.
Bày tỏ đồng tình với quy định trên, một số ý kiến cho rằng, việc giám sát lái xe qua camera là cần thiết vì sẽ phát hiện được các vi phạm như xe đón khách dọc đường, nhồi nhét khách hay lái xe nghe điện thoại, ngủ gật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp quản lý được hoạt động của xe và dữ liệu hình ảnh có thể tính được doanh thu, hạn chế gian lận. Không phải chờ đến khi Chính phủ ban hành quy định, nhiều doanh nghiệp vận tải lớn đã nhận thức được hiệu quả và tầm quan trọng của việc tăng cường ứng dụng công nghệ nên đã đầu tư cho cả hệ thống. Về phía Nhà nước, các hình ảnh này sẽ giúp cơ quan chức năng rà soát để xử lý kịp thời hay phục vụ hậu kiểm, tai nạn; hỗ trợ kiểm soát tình trạng xe "dù", bến "cóc"; xử lý các trường hợp doanh nghiệp và lái xe vi phạm quy định về thời gian lái xe liên tục hoặc chạy sai lộ trình.
Cần nghiên cứu triển khai thí điểm
Không ít đơn vị vận tải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chỉ để đối phó. Ảnh: Tuấn Khải |
Bên cạnh ý kiến ủng hộ vẫn còn không ít quan điểm lo ngại chủ trương này sẽ gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp bởi mới cách đây vài năm, đã có khoảng 800.000 phương tiện vận tải (gồm xe khách, taxi, xe tải) phải đầu tư khoảng trên 3.000 tỷ đồng để gắn thiết bị giám sát hành trình. Mặc dù vẫn còn không ít đơn vị và phương tiện vận tải có biểu hiện lắp đặt để đối phó, không truyền dữ liệu về hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định song vẫn phải khẳng định, thiết bị này là công cụ quản lý hữu hiệu giúp doanh nghiệp nắm được các thông tin về phương tiện, người lái như: Vị trí, vận tốc, lộ trình, thời gian lái xe... Trước thực tế như vậy, nay lại phải đầu tư thay thế loại thiết bị khác liệu có gây tình trạng lãng phí?
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, việc tích hợp thêm tính năng ghi lại hình ảnh lái xe vào thiết bị giám sát hành trình là khó thực hiện về mặt kỹ thuật và chắc chắn sẽ gây thêm tổn phí. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là phải tìm ra phương thức nâng cấp nhằm sử dụng hữu hiệu thiết bị hiện tại, tránh lãng phí đầu tư chứ không nên đặt thêm điều kiện cho doanh nghiệp khi mà chúng ta vẫn chưa tận dụng, phát huy hết được tính năng của thiết bị.
Không phủ nhận những hiệu quả mà thiết bị giám sát hành trình, đặc biệt là thiết bị có tích hợp camera mang lại, song ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ, vấn đề lo ngại nhất là các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư thêm thiết bị, tăng chi phí hàng nghìn tỷ đồng, đồng nghĩa tăng chi phí xã hội. Hơn nữa, khi chi phí tăng lên, đối tượng chịu thiệt thòi chính là người dân, bởi doanh nghiệp sẽ cộng vào chi phí vận chuyển. Do đó, bước đầu cơ quan chức năng có thể nghiên cứu theo hướng chưa nên bắt buộc lắp đặt đại trà mà mới chỉ nên thí điểm triển khai trên những xe khách chạy đường dài. Đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp lắp đặt nhằm giúp quản trị doanh nghiệp tốt hơn. Sau một thời gian thực hiện sẽ nghiên cứu, đánh giá hiệu quả xem có nên tổ chức nhân rộng trên các phương tiện khác hay không.
Tại hội thảo về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 21-8, đại diện đơn vị này cho biết: Cứ trung bình khoảng hơn 2 năm, Bộ GT-VT đề xuất Chính phủ thay đổi hướng dẫn về kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô. Thực tế này chứng tỏ rằng các Nghị định nói trên, nhất là các quy định về điều kiện kinh doanh, đã không thành công, trong giải quyết các vấn đề của kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo Chinhphu.vn |