Sẽ không đánh đổi môi trường, cảnh quan
Giao thông - Ngày đăng : 06:08, 24/08/2018
Quy hoạch mặt bằng Ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. |
Không vi phạm Luật Di sản văn hóa
Trước đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét việc xây dựng đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Theo Ủy ban này, trong quá trình chuẩn bị dự án, Hà Nội đã nghiên cứu 2 phương án, trong đó phương án 1 (phương án được thành phố đề xuất chọn và đã được các bộ, ngành liên quan chấp thuận) có đoạn tuyến đi ngầm cắt qua khu phố cổ, dọc phố Hàng Giầy, Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, qua các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế, Đại Cồ Việt, gắn với vị trí Ga C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng lân cận, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, di tích quốc gia đền Bà Kiệu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc lựa chọn phương án 1 sẽ vi phạm Luật Di sản văn hóa, tiềm ẩn nguy cơ tác động xấu đối với di tích và không gian văn hóa trung tâm Thủ đô.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, quá trình nghiên cứu quy hoạch, xác định hướng tuyến và vị trí các ga của tuyến đường sắt đô thị số 2 được khởi đầu từ năm 2004 thông qua Chương trình Phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP). Đây là chương trình nghiên cứu thực hiện theo thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản thông qua cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Quá trình nghiên cứu đã nhiều lần được lấy ý kiến các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân về vị trí hướng tuyến, các ga và đã nhận được sự đồng thuận cao.
Khu vực Ga C9 có những công trình văn hóa lịch sử nổi tiếng như Tháp Bút, đền Bà Kiệu, Tượng đài Cảm tử; công trình văn hóa như Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, công trình lịch sử Nhà đèn Bờ Hồ Hoàn Kiếm... Luật Di sản văn hóa (2001), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (2009) và các văn bản liên quan quy định: "Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích; khu vực bảo vệ II là khu vực bao quanh hoặc tiếp giáp với khu vực bảo vệ I để bảo vệ cảnh quan và môi trường - sinh thái của di tích và là khu vực được phép xây dựng các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích...".
Như vậy, Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan chỉ quy định cắm mốc khoanh vùng khu vực bảo vệ I và II, không quy định khoảng cách theo chiều sâu bảo vệ di tích. Thực tế cho thấy, công trình hầm đường sắt đô thị và Ga ngầm C9 không xâm phạm vùng bảo vệ I, phần lớn là ngầm dưới mặt đất ở khu vực bảo vệ II. Do đó, việc cho rằng công trình hầm đường sắt đô thị và Ga ngầm C9 vi phạm Luật Di sản văn hóa là chưa có cơ sở.
Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho di tích và phố cổ
Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, quá trình thi công và vận hành dự án hằng ngày sẽ tạo độ rung, gây nguy cơ hủy hoại các di tích. Trước những lo ngại này, lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, hướng tuyến hầm được thiết kế tránh các ảnh hưởng không đáng có cho các công trình trên mặt đất và tránh phức tạp phát sinh khi thi công như các tòa nhà có kết cấu móng cọc bê tông cốt thép sâu và tránh công trình kiến trúc văn hóa lịch sử.
Đặc biệt, tuyến hầm được thiết kế nằm ở độ sâu phù hợp, lớp đất phủ bên trên dày ít nhất khoảng 12m, bảo đảm mức lún bề mặt thấp nhất trong quá trình thi công, vận hành nên không ảnh hưởng đến các công trình nhà cửa bên trên và lân cận tuyến hầm. Đỉnh tuyến hầm sâu cách mặt đất khoảng 12,3m, đi qua phía trước Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, đền Bà Kiệu, tòa nhà của Tổng công ty Điện lực Hà Nội, trụ sở HĐND và UBND TP Hà Nội, mép ngoài tuyến hầm cách Tháp Bút 8,2m, cách gò đá chân tháp khoảng 1m. Hầm có đường kính 6,5m thi công bằng máy khiên đào TBM với công nghệ tiên tiến, triệt tiêu hoàn toàn độ rung lắc, độ lún bề mặt không đáng kể, kiểm soát và tránh tối đa ảnh hưởng đến các công trình lân cận thông qua các bộ cảm biến kết nối với trung tâm điều khiển.
Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, trong giai đoạn vận hành tàu, với việc lắp đặt hệ thống kết cấu đường sắt chạy tàu chống rung (vật liệu đàn hồi dẻo đỡ tà vẹt bê tông dự ứng lực) sẽ làm giảm tối đa tiếng ồn và rung động, trong ngưỡng tiêu chuẩn cho phép, bảo đảm không ảnh hưởng tới các công trình bên trên. Thêm nữa, với sự khảo sát, tính toán cẩn thận trong quá trình thiết kế, đo đạc, kiểm soát chặt chẽ bằng các thiết bị cảm biến gắn trong công trình trước, trong và sau quá trình thi công sẽ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hạng mục của di tích và phố cổ.
"Dự án này hoàn toàn nhằm mục tiêu công cộng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong quá trình thực hiện dự án, thành phố luôn thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, chúng tôi áp dụng tất cả các biện pháp để không tác động đến
môi trường, cảnh quan trong khu vực Hồ Gươm trong quá trình thi công, cũng như khai thác tuyến tàu điện số 2" - lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội nhấn mạnh.