Cấp chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn: Vướng khâu hoàn thiện hồ sơ
Kinh tế - Ngày đăng : 06:30, 24/08/2018
Diện tích trồng rau an toàn trên địa bàn TP Hà Nội đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là khoảng 5.044ha, 224ha trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP và 50ha rau hữu cơ. Định hướng đến năm 2020, toàn thành phố có hơn 16.276ha trồng rau an toàn, trong đó có 151 vùng trồng rau tập trung với tổng diện tích hơn 6.644ha… Tuy nhiên, hầu hết giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của các vùng trồng rau an toàn đã hết hạn từ năm 2016-2017.
Vấn đề đáng quan tâm là tại những vùng trồng rau an toàn, việc hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đang gặp khó khăn. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Mê Linh, hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với vùng sản xuất rau an toàn gồm: Chứng nhận mẫu đất, mẫu nước, danh sách giấy khám sức khỏe, giấy xác nhận kiến thức của chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh... Tuy nhiên, nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện có khoảng 500 người/cơ sở sản xuất, trong khi ý thức của người dân trong việc chủ động xác nhận kiến thức, khám sức khỏe theo quy định còn hạn chế. Hầu hết các hợp tác xã khó hoàn thiện được hồ sơ theo quy định để được gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Huyện Mê Linh có 14 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trồng rau an toàn với tổng diện tích 567,9ha đã hết hạn giấy chứng nhận. Nhưng đến nay mới có 3 hợp tác xã: Đông Cao (xã Tráng Việt), Bạch Trữ (xã Tiến Thắng) và Yên Nhân (xã Tiền Phong) hoàn thiện hồ sơ và được gia hạn sản xuất rau an toàn đến năm 2021, trên tổng diện tích 230ha.
Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Đa (xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ) có 50ha trồng rau an toàn hết hạn từ cuối năm 2017. Hợp tác xã đã lấy mẫu đất, mẫu nước phân tích tại cơ quan chức năng và tổ chức tập huấn, kiểm tra kiến thức, khám sức khỏe cho nông dân trực tiếp tham gia sản xuất rau an toàn. Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Đa Hoàng Văn Tùng băn khoăn: “Nếu hợp tác xã không tạm ứng kinh phí tập huấn kiến thức và khám sức khỏe cho nông dân, thì không hoàn thiện được hồ sơ gia hạn vùng sản xuất rau an toàn. Nhưng sau này, hợp tác xã sẽ gặp khó khăn trong việc thu hồi tiền...”. Còn tại địa bàn xã Nghĩa Hương (huyện Quốc Oai), mặc dù đã được Phòng Kinh tế huyện và Trạm bảo vệ thực vật huyện “nhắc nhở” nhiều lần, nhưng khó khăn trong khâu hoàn thiện thủ tục khiến vùng trồng rau an toàn này với 21ha đã hết hạn từ 2016, đến nay vẫn chưa nộp hồ sơ.
Bên cạnh đó, vấn đề thủ tục hành chính cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tiến độ cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm vùng sản xuất rau an toàn bị chậm. Tại địa bàn huyện Gia Lâm, trong số 700ha trồng rau an toàn thì có hơn 440ha hết hạn, nhưng một số hợp tác xã có hồ sơ bị thiếu thủ tục, phải chuyển đi, chuyển lại từ bộ phận một cửa tới đơn vị chức năng huyện, kéo dài tới 5-6 tháng…
Trước những khó khăn trong cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Phòng Kinh tế các quận, huyện, thị xã để hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Theo Chủ tịch UBND xã Thanh Đa Nguyễn Văn Mạnh: Do năng lực của hợp tác xã còn hạn chế, nên nếu muốn đẩy nhanh công tác cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn, các hợp tác xã rất cần được cơ quan chức năng cấp huyện hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định, tránh để hồ sơ bị trả đi trả lại do thiếu thủ tục, gây mất nhiều thời gian. Ngoài ra, vấn đề đầu ra cho sản phẩm rau an toàn ổn định, giá bán không bấp bênh, cũng là động lực để người nông dân gắn bó với vùng trồng rau an toàn và hợp tác tích cực hơn trong việc hoàn thiện thủ tục.