TP Hồ Chí Minh: Hiện thực hóa chính sách thu hút người tài

Kinh tế - Ngày đăng : 07:01, 24/08/2018

(HNM) - Không phải đến bây giờ, mà trước đây TP Hồ Chí Minh đã ban hành những chính sách đãi ngộ đặc biệt để mời gọi người tài về cộng tác và làm việc tại thành phố. Tiếp nối truyền thống đó, thành phố đang xem xét nhiều chính sách đột phá hơn nữa để thu hút những người có tài năng đặc biệt, giúp họ yên tâm công tác và cống hiến cho sự phát triển của thành phố.

Nhiều người tài đã về làm việc

Hơn mười năm trước, TP Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách, trong đó có chính sách “vượt khung” với những đãi ngộ đặc biệt để mời gọi, thu hút các chuyên gia, trí thức Việt kiều nổi tiếng về cộng tác và làm việc tại thành phố. Nhận lời mời từ một Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhân chuyến công tác tại Canada, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình (một chuyên gia đầu ngành ở Canada về lĩnh vực công nghệ sinh học) quyết định về nước từ năm 2003 để giúp thành phố xây dựng và phát triển nền công nghệ sinh học - lĩnh vực khi đó còn mới mẻ ở Việt Nam. Về TP Hồ Chí Minh làm việc, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình được hưởng mức lương cao gấp 5 lần mức lương tiến sĩ trong nước tại thời điểm đó. Không những vậy, ông được cấp nhà ở cùng những trang bị, phương tiện, công cụ để làm việc. Nhờ vậy, Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh do ông làm giám đốc đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần khẳng định vị thế của nền công nghệ sinh học thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

TP Hồ Chí Minh đang đề ra những chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút người tài.


Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình không phải là trường hợp cá biệt. Giáo sư Võ Văn Tới, hiện là Trưởng bộ môn Kỹ thuật y sinh, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) là một trong nhóm nhà khoa học kiều bào đầu tiên về nước đầu tư vào chương trình liên kết khoa học và công nghệ, đặc biệt là kỹ thuật y sinh... cũng nhờ chính sách thu hút người tài của thành phố.

Thực tế, mức đãi ngộ mà TP Hồ Chí Minh dành cho các chuyên gia, nhà khoa học kể trên vẫn còn khoảng cách rất xa so với những gì họ đang được hưởng ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của người trong cuộc, lý do quan trọng nhất để các chuyên gia, nhà khoa học chấp nhận về thành phố làm việc đến từ những chính sách thông thoáng, đột phá mà thành phố đã mạnh dạn “phá lệ” so với quy định hiện hành, cộng với thái độ trân trọng, cầu thị đối với trí thức của chính quyền thành phố.

Tạo bước đột phá hơn nữa

Không dừng lại ở đó, để tạo bước đột phá hơn nữa trong chính sách thu hút đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học, năm 2014, TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 5715/QĐ-UBND cho phép 4 đơn vị là Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - Công nghệ tính toán và Trung tâm Công nghệ sinh học được thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc. Theo đó, các chuyên gia sẽ được hưởng ưu đãi về lương, phụ cấp, đi lại; đồng thời được hưởng thu nhập theo thỏa thuận trực tiếp giữa thủ trưởng đơn vị với các chuyên gia. Việc tăng thêm thu nhập hoặc phụ cấp sẽ được thỏa thuận lại khi ký hợp đồng lao động kỳ tiếp theo (nhưng không quá 150 triệu đồng/tháng). Đây được xem là đột phá mang tính “xé rào” mà TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nhằm thu hút “chất xám”, phát huy nguồn lực của đội ngũ trí thức để xây dựng, phát triển thành phố.

Trước yêu cầu xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, mà khởi đầu là xây dựng Khu đô thị sáng tạo ở phía Đông thành phố (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức), thành phố mong muốn thu hút những người có tài năng với hai tiêu chuẩn nền tảng là tri thức và năng lực xuất sắc trong một hoặc một số ngành, lĩnh vực; có khả năng lao động sáng tạo rất cao. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh vừa trình UBND thành phố đề án về chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt đối với các lĩnh vực thành phố có nhu cầu giai đoạn 2018-2022. Hiện có 11 cơ quan, đơn vị đã đề xuất thu hút 57 vị trí, trong đó biên chế có 28 vị trí và lao động hợp đồng 29 vị trí.

Để thu hút những người có tài năng đặc biệt, Sở Nội vụ đã đề xuất nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn bằng ngân sách thành phố. Cụ thể, áp dụng mức hỗ trợ ban đầu (chỉ một lần) là 50 triệu đồng, hằng tháng được hỗ trợ sinh hoạt phí từ 20 đến 30 triệu đồng. Đối với một số vị trí, cứ mỗi đề án, đề tài nghiên cứu hoặc tác phẩm, công trình lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao từ cấp thành phố và tương đương trở lên được phê duyệt sẽ được thưởng bằng 1% tổng kinh phí ngân sách thành phố chi trả cho công trình đó. Giá trị tiền thưởng không thấp hơn 50 triệu đồng/người/công trình và tối đa là 1 tỷ đồng. Đối với các vị trí còn lại, căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, mức độ đóng góp và giá trị, tầm cỡ của thành tích đạt được sẽ được thưởng tương xứng với mức tối đa là 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, người có tài năng đặc biệt còn được thành phố hỗ trợ về nhà ở (nhà công vụ) hoặc hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà ở.

Theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh đã từng có những bài học quý báu về thu hút người tài. Đó là dám tập hợp, định hướng nghiên cứu và lắng nghe những đề xuất của giới trí thức để đưa ra những quyết định quan trọng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Minh cho rằng, người tài không thể nào phát huy hết năng lực sở trường của mình nếu không có những chuyên gia quản lý, biết cách tập hợp và sử dụng người tài.

Nguyễn Lê