Giải pháp đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng
Kinh tế - Ngày đăng : 16:18, 24/08/2018
Thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công còn khiêm tốn
Phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho hay, tháng 2-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội, với mục tiêu đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; phấn đấu đến năm 2020, 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh thực hiện qua ngân hàng; 70% số tiền điện tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thanh toán qua ngân hàng; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng...
“Tuy nhiên, trên thực tế, việc thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công vẫn còn khiêm tốn, phạm vi triển khai chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp hoặc tại các tỉnh, thành phố lớn, điều kiện kinh tế phát triển”, Phó Thống đốc nói.
Ảnh: Báo Lao động |
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước; 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc; 26 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh, thành phố và 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường đại học.
Ngoài ra, 6 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí các bệnh viện lớn, như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán cũng chỉ ra một số tồn tại, như: Giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chưa nhiều, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn có những khó khăn, tốc độ triển khai chậm; khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí dịch vụ công còn hạn chế.
Theo ông Phạm Thanh Du, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), từ tháng 3-2012, BHXH Việt Nam phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện thí điểm tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua hệ thống bưu điện tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, và đến nay đã triển khai trên toàn quốc với hai hình thức: chi bằng tiền mặt và qua ATM.
Về hình thức cơ quan bưu điện chi trả qua tài khoản ATM cho người hưởng, việc quản lý người hưởng qua tài khoản cá nhân của cơ quan bưu điện còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với những người hưởng không thường xuyên ở nơi cư trú; số người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng qua thẻ ATM chiếm tỷ trọng thấp so với số người hưởng, do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, người già khó sử dụng thẻ, số lượng máy ATM chưa nhiều, đặc biệt các vùng sâu, vùng xa.
Tính đến năm 2017, có khoảng 15%, và đến tháng 2-2018 có khoảng 21% tổng số tiền thực hiện chi trả qua tài khoản ATM, nhưng tỷ lệ phân bổ giữa các tỉnh, thành không đồng đều, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn.
Giải phápđẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ, tỷ lệ hóa đơn và doanh thu tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian tăng mạnh qua các năm, từ 14,88% số khách hàng năm 2015 lên 44,95% số khách hàng năm 2017. Năm 2017, nhân viên điện lực không còn đến nhà thu tiền, trừ trường hợp khách hàng neo đơn, khu vực do dịch vụ bán lẻ điện năng thu tiền điện.
Trong quá trình thực hiện, EVN gặp một số vướng mắc, như tại khu vực nông thôn các điểm giao dịch của ngân hàng còn ít nên việc thanh toán qua ngân hàng tương đối khó khăn.
Trước những khó khăn trên, tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) kiến nghị, để thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng, tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán; triển khai ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán qua ngân hàng tiên tiến, hiện đại, phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại hình dịch vụ công. Cùng với đó, việc mở rộng hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công với các ngân hàng, tổ chức cung ứng giải pháp thanh toán; đẩy nhanh khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng, là cần thiết.
TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; câng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ công và người dân về thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng.
Ngoài ra, để thúc đẩy việc thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng, cần có sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách.
Cùng quan điểm, bà Trần Thị Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm và marketing-Vietinbank đề xuất, các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện hành lang pháp lý để các đơn vị có đủ cơ sở hợp tác với các ngân hàng trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ công từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật.