CEO Vingroup: Chúng tôi sẽ “mồi” vốn nghìn tỷ hỗ trợ khởi nghiệp
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:54, 24/08/2018
Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup |
Công nghệ sẽ là lĩnh vực số 1 của Vingroup
Từ việc đầu tư vào sản xuất ô tô rồi đến điện thoại và giờ là chuyển hướng trọng điểm sang công nghệ. Có phải Vingroup đang xa rời dần các lĩnh vực kinh doanh trước đây là cốt lõi như bất động sản, du lịch, y tế, giáo dục…, thưa ông?
Vingroup không xa rời các lĩnh vực kinh doanh trọng yếu, chúng tôi chỉ bổ sung thêm các lĩnh vực mới để làm hoàn hảo thêm hệ sinh thái của mình. Định hướng là trong vòng 10 năm tới, Vingroup sẽ trở một Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ có tầm quốc tế. Trong đó, công nghệ sẽ là hướng đi chủ lực.
Vậy tương lai của sự thay đổi này sẽ như thế nào, thưa ông?
Mảng thương mại dịch vụ hiện có sẽ được tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động để làm chỗ dựa tài chính cho hai mảng mới, đồng thời cung cấp môi trường thực nghiệm đa dạng, hỗ trợ cho công tác nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ - công nghiệp. Mảng công nghiệp gồm ô tô và sắp tới là điện thoại và các đồ gia dụng điện tử như TV thông minh, điều hòa thông minh, tủ lạnh… cũng sẽ được đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới. Riêng mảng công nghệ, Vingroup xác định ba mũi nhọn chính để thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ.
Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về ba mũi nhọn chính trong chiến lược phát triển công nghệ?
Đầu tiên là thành lập Công ty VinTech nhằm tập trung đầu tư đội ngũ nhân sự, hạ tầng, để phát triển sản xuất phần mềm, nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển nguyên vật liệu thế hệ mới, lập chuỗi các Viện như Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT)…. Tiếp theo là đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech City theo mô hình của thung lũng Silicon tại Hà Nội. Thứ ba là lập ra các Quỹ như Quỹ Đầu tư về công nghệ với nhiệm vụ tìm kiếm các cơ hội hợp tác, ý tưởng trên phạm vi toàn cầu và Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Hỗ trợ nghiên cứu Khoa học – Công nghệ ứng dụng nhằm hỗ trợ các dự án trong nước, hỗ trợ cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam…
Ngày 21-8 vừa qua, chúng tôi đã đồng loạt ra mắt 1 công ty, 2 viện nghiên cứu, 1 Quỹ hỗ trợ trong nước và tiến hành ký kết với hơn 50 trường Đại học hàng đầu về công nghệ để chuẩn bị nguồn nhân lực trong 10 năm tới.
Vâng, đó chính là điều tiếp theo chúng tôi muốn ông giải đáp. Quy mô lớn là lợi thế nhưng cũng là sức ỳ với bất cứ tổ chức nào, nhưng dường như Vingroup đang triển khai mọi việc với tốc độ thần tốc...
Bạn đừng quên slogan của chúng tôi là: “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” và phong cách của chúng tôi là “miệng nói, tay làm”(cười). Thực tế, sau 25 năm phát triển, Vingroup đã có thay đổi cơ bản về quản trị. Hiện tại, chúng tôi theo mô hình holdings, các Công ty thành viên (P&L) chủ động công việc, bộ máy tập đoàn chỉ tư vấn, kiểm soát, đánh giá nên Vingroup luôn duy trì được sự gọn nhẹ và năng động. Công ty VinTech chúng tôi mới thành lập trong lĩnh vực Công nghệ - Công nghiệp cũng sẽ hoạt động theo mô hình độc lập như vậy.
“Cho không” nghìn tỷ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
Được biết, Vingroup bước đầu đã đầu tư hàng nghìn tỷ cho hướng đi mới này. Tiềm lực tài chính quả là lợi thế rất lớn của Vingroup…
Chúng tôi lại cho rằng, không chỉ tiền là đủ. Vingroup đã nghiên cứu rất kỹ mô hình của Silicon Valley, muốn thành công cần có hệ sinh thái hỗ trợ. Vì thế, bên cạnh việc tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu các nguyên vật liệu thế hệ mới, chúng tôi sẽ xây dựng khu tập trung đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao mang tên VinTech City theo mô hình Silicon Valley.
Trong đó, chúng tôi không chỉ xây dựng ra các toà văn phòng, được trang bị đầy đủ hệ thống từ máy tính mà hỗ trợ đầy đủ về hệ sinh thái cần thiết, đi cùng đó là hỗ trợ về pháp lý, nhân sự, thủ tục hành chính, kế toán… Trong thời gian 1-3 năm đầu, các công ty công nghệ khởi nghiệp sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí thuê văn phòng và 1 phần hoặc toàn bộ các phí dịch vụ còn lại.
Người ta vẫn nói “không có bữa trưa nào miễn phí” - các startup sẽ phải trả lại gì cho Vingroup, thưa ông?
Phần hỗ trợ là cho không, các dự án họ làm xong thì họ hưởng. Trong điều kiện cần vốn để phát triển thêm, cần chúng tôi đầu tư thì chúng tôi sẽ nghiên cứu thấy phù hợp sẽ hợp tác, hoặc không sẽ tư vấn, giúp đỡ gọi đầu tư. Hơn thế nữa, như đã nói ở trên, chúng tôi có các Quỹ đầu tư, không phải 1 mà là 2 quỹ. Thứ nhất là Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Hỗ trợ nghiên cứu KH-CN có mức đầu tư là 2.000 tỷ đồng, thứ hai là quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD, để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ. Tôi cho rằng như vậy chúng ta mới có đủ điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp thuận lợi.
Nhưng với cách làm đó ông có nghĩ rằng các bạn trẻ khởi nghiệp sẽ ỷ lại việc được hỗ trợ từ Vingroup không?
Đây không phải bao cấp, mà là sự hỗ trợ mang tính thúc đẩy và gỡ bỏ một phần các áp lực. Chúng tôi biết các nhà khởi nghiệp trẻ về công nghệ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cản trở nên chúng tôi tạo chất xúc tác, như “mồi câu” ban đầu giúp mọi người có nền tảng để phát triển, từ đó thúc đẩy cho ngành công nghệ nước ta phát triển. Chúng tôi hỗ trợ 3 năm đầu và sản phẩm của họ phải chứng minh được tính hiệu quả. Và chúng tôi cho đó là trách nhiệm xã hội của Vingroup với đất nước.
Xin cảm ơn ông!