Xây dựng chính phủ điện tử - nền tảng của chính phủ số
Công nghệ - Ngày đăng : 07:34, 25/08/2018
Xây dựng chính phủ số là bước đi hướng tới hình thành chính phủ kiến tạo và phục vụ. |
Giảm thủ tục nhờ công nghệ thông tin
Anh Trần Minh, ở tổ dân phố số 8 Mỗ Lao, phường Mộ Lao (quận Hà Đông) kể, sau khi vợ sinh con trai đầu lòng, anh đã vào Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến TP Hà Nội (địa chỉ egov.hanoi.gov.vn) để khai sinh cho con. "Thủ tục rất đơn giản, tôi chỉ mất khoảng 5-7 phút để lần lượt thực hiện các thao tác bấm chọn và điền thông tin theo mẫu, lưu mã hồ sơ tra cứu để biết tình trạng hồ sơ của mình. Chỉ hai ngày sau, tôi có thể mang theo các giấy tờ cần thiết để đến bộ phận "một cửa" UBND phường Mộ Lao nhận giấy khai sinh cho con" - anh nói.
Trên thực tế, các dịch vụ công trực tuyến hiệu quả đã tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân và doanh nghiệp. Hiện Hà Nội được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước với tỷ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 cao. Cụ thể, các quận nội thành có tỷ lệ đăng ký hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực tư pháp đạt 98-100%, một số huyện ngoại thành cũng đạt tỷ lệ khá cao - trên 90%. Việc đăng ký hồ sơ hành chính qua mạng ở các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, đăng ký kinh doanh... đạt tỷ lệ cao; trong đó 100% hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mới được thực hiện qua mạng; hơn 90% hồ sơ thực hiện qua mạng trong lĩnh vực thông tin - truyền thông... Những kết quả này được coi là điều kiện thuận lợi để Hà Nội xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh.
Hiện, nhiều địa phương khác cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông để xây dựng chính quyền điện tử. Tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông diễn ra trung tuần tháng 7 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ, địa phương này đã tạo môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng chính quyền điện tử, vừa qua Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trước đây, do Thủ tướng là Chủ tịch Ủy ban. Ngoài thành viên là các bộ trưởng có liên quan, còn có sự tham dự của đại diện khu vực tư nhân để tăng cường và bảo đảm cơ chế hợp tác công - tư trong triển khai nhiệm vụ.
Phương tiện thực hiện dịch vụ công
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), chính phủ số là chính phủ được thiết kế và vận hành nhằm tận dụng dữ liệu số để tối ưu hóa, chuyển đổi và tạo ra các dịch vụ cho Chính phủ. Chính phủ số gồm 5 giai đoạn chính để tiến tới chính phủ thông minh, trong đó, chính phủ điện tử là giai đoạn thứ nhất. Điểm mấu chốt là: Chính phủ số không phải là đích đến cuối cùng, mà là một phương tiện để thực hiện các dịch vụ bền vững và giá thấp của Chính phủ.
Như vậy, có thể hiểu chúng ta đang ở giai đoạn thứ nhất của quá trình xây dựng chính phủ số là xây dựng chính phủ điện tử. Đánh giá về việc xây dựng chính phủ điện tử, theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, hiện chúng ta đã thiết lập được một số cơ sở dữ liệu mang tính nền tảng, như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đang được xây dựng và đã có những cấu phần đi vào vận hành. Đặc biệt, không thể không kể đến việc các cơ quan nhà nước đã cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như: Đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội… Một số bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, dần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức.
Được biết, hiện có gần 50.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đang được các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, các địa phương cung cấp chiếm đa số với 47.774 dịch vụ công trực tuyến (chiếm tới 96,8%); dịch vụ công do bộ, ngành cung cấp là 1.578 (chiếm 3,2%). Tỷ lệ hồ sơ thực hiện giao dịch trực tuyến mức độ 3, 4 (tại bộ, ngành) đạt 36,95% (583/1.578), tăng hơn 10% so với quý I-2018... Theo đánh giá, những kết quả đạt được này vẫn chưa như mong đợi, song rõ ràng, việc triển khai cung cấp các dịch vụ công đã nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động... Đây cũng chính là cách thức để hiện thực hóa quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.