Ngăn chặn hiểm họa ma túy đá

Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 25/08/2018

(HNM) - Thời gian gần đây, thường xuyên xảy ra các vụ việc người sử dụng ma túy đá gây ảo giác, mất kiểm soát bản thân, dẫn đến các vụ án đau lòng...

Tuyên truyền phòng chống ma túy trong trường học. Ảnh: Hà Sơn


Xu hướng trẻ hóa

Dù đã xảy ra cách đây hơn 5 tháng, nhưng khi nhắc đến vụ việc Nguyễn Việt Cường (nghệ danh ca sĩ Châu Việt Cường) trong cơn “phê” ma túy tổng hợp đã dùng tỏi nhét vào miệng chị T.M.H (sinh năm 1998) gây tử vong (ngày 5-3-2018 tại quận Ba Đình), nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP Hà Nội) cho biết: Đây là một trong hai vụ việc gây mất an ninh trật tự tại thành phố do “ngáo đá” từ đầu năm 2018 đến nay. Những vụ việc này đã gây hoang mang đối với dư luận và lo lắng, bức xúc trong nhân dân về những hành vi của các đối tượng có biểu hiện loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp.

Vì sao các đối tượng “ngáo đá” lại có thể gây nên hành vi phạm tội? Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương chia sẻ: Nhiều bệnh nhân từng điều trị ở đây kể lại, khi “ngáo đá”, họ nhìn thấy những người xung quanh là quái vật, dị nhân, ác quỷ… hoặc có cảm giác bản thân đang và sẽ bị tấn công, giết hại nên có phản ứng chạy trốn hoặc tấn công lại. Các loại ma túy tổng hợp nguy hiểm ở chỗ có thể khiến người sử dụng mất kiểm soát, loạn thần, ảo giác dẫn tới các hành vi kích động, phạm tội ngay từ lần dùng đầu tiên. Nguy hại hơn, người nghiện ma túy tổng hợp không có thuốc để điều trị và kiểm soát triệt để; những biểu hiện loạn thần, ảo giác hầu như sẽ theo họ suốt đời.

Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP Hà Nội) cho biết: Các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp đang có xu hướng trẻ hóa, đa dạng hóa thành phần xã hội. Đặc biệt, trong thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều loại chất hướng thần mới như: N-Ethylpentylone (tương tự chất Cathinone cực độc trong lá Khát), XLR-11 (cỏ Mỹ), nấm thần (chứa các thành phần ma túy là psilocybin và psilocin)… Cách thức sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng đơn giản, nhanh chóng với các dụng cụ dễ tìm. Khu vực hoạt động của các đối tượng cũng được mở rộng đến các khu chung cư để tránh sự giám sát, phát hiện của cơ quan chức năng.

Về tình hình tại các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái đánh giá: Số người nghiện do sử dụng ma túy tổng hợp chiếm 60% - 70%. Đây là vấn đề gây khó khăn cho công tác chữa trị và bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở cai nghiện, trong đó có thể kể tới nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn tại cơ sở cai nghiện số 3 ở huyện Sóc Sơn và số 5 ở quận Nam Từ Liêm.

Xử lý “ngáo đá” như thế nào?

Theo Thượng tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội), Bộ luật Hình sự chưa có quy định cụ thể, riêng biệt đối với người phạm tội trong trạng thái bị "ảo giác do ma túy" hoặc “ngáo đá”. Tuy nhiên, Điều 14, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, người ảo giác do ma túy phạm tội, cũng tương tự người phạm tội trong tình trạng say rượu hoặc chất kích thích mạnh phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội đã gây ra. Căn cứ vào quy định này, Công an quận Ba Đình đã khởi tố Nguyễn Việt Cường về tội “Vô ý làm chết người”; hoặc gần đây nhất, cuối tháng 7-2018, Công an TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã khởi tố đối tượng Nguyễn Thị Hà về hành vi “Cố ý gây thương tích” gây ra trong lúc “ngáo đá”.

Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ đối tượng trong đường dây ma túy xuyên quốc gia.


Về biện pháp quản lý và giải quyết các hành vi vi phạm pháp luật do sử dụng ma túy tổng hợp, theo Thượng tá Trương Thọ Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, dựa trên đánh giá của các cơ quan y tế, Công an TP Hà Nội đã đưa ra các tiêu chí để xác định người sử dụng ma túy tổng hợp là người có biểu hiện và nguy cơ bị “ngáo đá”. Dạng đối tượng này được xếp vào loại dễ có hành vi vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng, cần tập trung theo dõi, quản lý chặt chẽ và thường xuyên có biện pháp phòng ngừa. Trên cơ sở đó, hiện thành phố có 9 đối tượng trong diện quản lý, phòng ngừa. Thời gian tới, Công an thành phố sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp quyết liệt, bảo đảm cách ly các đối tượng này khỏi xã hội như, đưa đi chữa bệnh tâm thần, cai nghiện bắt buộc; vận động cai nghiện tự nguyện; củng cố tài liệu về hành vi vi phạm pháp luật để khởi tố…

Song song với đó, Công an thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân cách nhận biết những hành vi loạn thần, ảo giác, “ngáo đá”, những tác hại và hệ lụy của việc sử dụng các loại ma túy tổng hợp, từ đó kịp thời phát hiện, trình báo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.

Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP Hà Nội), từ đầu năm 2018 đến nay đã khám phá, xử lý 901 vụ, với 1.161 đối tượng liên quan ma túy tổng hợp. Kết quả tổng điều tra cơ bản, toàn diện tình hình liên quan tội phạm và tệ nạn ma túy cho thấy, hiện toàn thành phố có 2.885 người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp.

Mai Hữu