Chuyện cảm động tại ngôi trường “hai trong một”
Giáo dục - Ngày đăng : 07:37, 26/08/2018
Lớp học của trẻ khiếm thính tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội. Ảnh: Hà Hiền |
Cùng trẻ đặc biệt đến trường
Như bao trẻ em ở những ngôi trường khác, trẻ khuyết tật cũng tựu trường từ giữa tháng 8. Mỗi em một hoàn cảnh, một miền quê, nhưng khi đến Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (Trung tâm), tất cả trở thành người một nhà, thành học sinh đặc biệt của trường học đặc biệt.
Giúp học sinh vững vàng bước vào năm học mới, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ và giáo viên Trung tâm vừa chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn trẻ khuyết tật phục hồi chức năng, vừa chuẩn bị trang phục, sách vở, đồ dùng học tập cho các em. Giám đốc Trung tâm Phan Văn Thái cho biết, hiện nay, đơn vị đang chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng cho 126 trẻ khuyết tật từ 6 tuổi trở lên, trong đó có nhiều trẻ đa tật. Các lớp học được sắp xếp dựa trên tình trạng bệnh tật và khả năng nhận thức của học sinh theo trình độ từ lớp 1 đến lớp 5.
Dãy lớp học của học sinh khuyết tật trí tuệ nằm sát sân chơi rộng rãi, thoáng mát. Những giờ học liên tục bị gián đoạn bởi học sinh luôn có nhu cầu ăn, uống, vệ sinh cá nhân... “Các em rất yếu, nhiều em không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Do đó, tất cả giờ học đều cần có giáo viên và cán bộ y tế cùng tham gia. Học sinh vừa học, vừa chơi, vừa phục hồi chức năng. Nhận được sự chăm sóc, hỗ trợ toàn diện, khả năng nhận thức của học sinh khuyết tật trí tuệ tiến bộ từng ngày”, chị Ngô Kim Ngân, cán bộ y tế phấn khởi nói.
Dãy lớp học dành cho học sinh khiếm thính khang trang, rộng rãi như những lớp học ngoài cộng đồng. Điểm khác là bàn ghế tại đây được sắp xếp theo hình chữ U, giúp học sinh dễ quan sát giáo viên giảng bài bằng ngôn ngữ ký hiệu. Giáo viên vừa là thầy, vừa là chuyên gia tâm lý, phải hiểu tính cách, tình trạng sức khỏe từng học sinh thì mới có thể đưa ra “giáo án” phù hợp. Khó khăn là vậy song với tình yêu thương, mong muốn học sinh khuyết tật có tương lai tươi sáng, đội ngũ giáo viên của Trung tâm luôn nỗ lực hết mình.
Ngoài giờ lên lớp, học sinh của trường học đặc biệt này thường xuyên tham gia hoạt động tập thể, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao. Cứ như vậy, từng bước đi, từng giấc ngủ, từng con chữ cũng như sự tiến bộ về kỹ năng của học sinh khuyết tật đều có sự đồng hành của cán bộ, y bác sĩ và giáo viên, sự quan tâm của các cơ quan chức năng, sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng xã hội.
Nuôi dưỡng ước mơ
Từng bước trưởng thành trong môi trường ăm ắp tình yêu thương, nhiều học sinh khuyết tật nuôi dưỡng ước mơ hòa nhập cộng đồng, xây đắp tương lai.
Em Lê Thị Hải (18 tuổi), học sinh lớp 5 nhờ giáo viên chủ nhiệm Phạm Thị Phương “phiên dịch” khi trò chuyện với chúng tôi. Em cho biết mình đến từ xã Vân Côn (huyện Hoài Đức), trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trước khi vào Trung tâm, em rất tủi khi thấy bạn bè cùng trang lứa vui vẻ nói cười, tung tăng đến lớp, còn em không nghe được, không nói được cũng không được đi học. Sau 7 năm sống và học tập tại Trung tâm, Lê Thị Hải hiểu rõ khả năng của mình nên cố gắng học tập tốt. Học hết tiểu học, em muốn học tiếp trung học cơ sở để có thêm kiến thức.
Không chỉ là nơi chắp cánh ước mơ, ngôi trường đặc biệt này đã ươm mầm hạnh phúc cho nhiều người khuyết tật. Chuyện tình yêu nảy nở giữa anh Nguyễn Thanh Sơn và chị Nguyễn Thị Hòa trong những năm tháng sống tại Trung tâm diễn ra hơn 10 năm trước, giờ vẫn được nhắc đến như câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Nhờ sức mạnh tình yêu, hai người khiếm thính cố gắng học tập tốt để có tương lai tươi sáng. Anh Nguyễn Thanh Sơn hiện là giáo viên trợ giảng của Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; chị Nguyễn Thị Hòa là Quản đốc phân xưởng tại Công ty TNHH May mặc 18-4 Hà Nội. Họ lấy nhau, sống hạnh phúc, có hai con khỏe mạnh.
Bén duyên từ lớp học đặc biệt, anh Phạm Văn Vượng và chị Nguyễn Thị Hoa đã nên vợ, nên chồng hơn 10 năm nay. Không cam chịu cảnh nghèo, anh Vượng nỗ lực học nghề, mở xưởng mộc tại xã Đại Thắng (huyện Phú Xuyên), phát triển kinh tế gia đình và giải quyết việc làm cho nhiều người khuyết tật. Trường hợp khác là anh Lê Khánh Hưng, lớn lên tại Trung tâm rồi bước vào cuộc sống, anh đã đi học nâng cao, đi làm rồi quay lại Trung tâm chăm sóc, quản lý trẻ khuyết tật trí tuệ. Sự trưởng thành của anh Hưng đã truyền cảm hứng, nghị lực sống cho những người em cùng cảnh ngộ.
Trung bình mỗi năm, Trung tâm có hơn 10 học sinh tốt nghiệp bậc tiểu học, tiếp tục học lên cao hoặc hòa nhập xã hội. Họ được nhiều doanh nghiệp, cộng đồng đón nhận, nhưng không phải ai cũng có thể làm việc lâu dài do rào cản về ngôn ngữ. “Tôi hy vọng các cơ quan chức năng dành sự quan tâm nhiều hơn đến người khuyết tật, trong đó có những công việc đặc thù, phù hợp với người yếu thế để họ có thể gắn bó lâu dài, hòa nhập tốt”, ông Phan Văn Thái bày tỏ.