Cử tạ Việt Nam: Giấc mơ dang dở

Thể thao - Ngày đăng : 08:04, 26/08/2018

(HNM) - Tại ASIAD 2018, các lực sĩ Việt Nam không thể tạo nên mốc mới là giành tấm Huy chương vàng đầu tiên. Tất cả cho thấy đường ra “biển lớn” của cử tạ Việt Nam vẫn gian nan và giấc mơ


Người trong nghề đã nhận định, hiếm khi cử tạ Việt Nam có nhiều cơ hội giành ngôi vô địch như tại Á vận hội kỳ này. Cử tạ Trung Quốc bị vướng lệnh cấm từ Liên đoàn Cử tạ thế giới nên không thể góp mặt tại ASIAD 2018. Đó là cơ hội tốt cho cử tạ Việt Nam bởi các lực sĩ Trung Quốc luôn là thách thức vượt tầm với lực sĩ Việt Nam. Trong những năm gần đây, chính các đô cử của Trung Quốc là một phần nguyên nhân quan trọng khiến cử tạ Việt Nam không thể có được tấm Huy chương vàng đầu tiên tại Đại hội thể thao châu lục dù chúng ta có những lực sĩ rất mạnh ở hạng 56kg nam như Hoàng Anh Tuấn hay Thạch Kim Tuấn.

Hai cái tên đã được chỉ ra trong chiến dịch “săn” Huy chương vàng ASIAD 2018 là Thạch Kim Tuấn ở hạng 56kg nam và Trịnh Văn Vinh ở hạng 62kg nam. Đó là hai vận động viên có nhiều khả năng giành Huy chương bạc, thậm chí là giành ngôi vô địch nếu có may mắn, sự xuất thần cũng như những đối thủ cạnh tranh ngôi vô địch khác “gặp vấn đề”. Ở hạng 56kg, Thạch Kim Tuấn phải vượt qua nhà vô địch Olympic 2016 người Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Om Yun Chol. Trong khi đó, muốn có Huy chương vàng, Trịnh Văn Vinh phải vượt qua đô cử nổi tiếng của nước chủ nhà là Eko Irawan Yuli. Cả hai đều có trình độ nhỉnh hơn so với các đô cử Việt Nam và họ chính là ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi vô địch ở hạng cân của mình.

Cuối cùng, cả Thạch Kim Tuấn và Trịnh Văn Vinh đều không thể tạo nên bất ngờ. Thạch Kim Tuấn vẫn chỉ giành Huy chương bạc, như đã từng làm được tại ASIAD 2014. Thành tích 280kg của Thạch Kim Tuấn còn thấp hơn so với chính anh khi đạt phong độ tốt nhất - đạt mức 293kg. Om Yun Chol không đạt phong độ tốt nhất nhưng cũng không phạm sai lầm đáng kể để Thạch Kim Tuấn có thể vượt qua. Đô cử người Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên lên ngôi vô địch với thành tích 287kg, một phần do Thạch Kim Tuấn thi đấu dưới sức.

Còn Trịnh Văn Vinh, dù vẫn đạt phong độ tốt nhưng cũng không thể vượt qua huyền thoại cử tạ Indonesia Eko Irawan Yuli. Đạt được mức tạ 299kg trong tình cảnh bị chấn thương vai là thành tích đáng kể với Trịnh Văn Vinh - đương kim vô địch SEA Games. Nhưng nếu nhìn vào mức tạ 311kg mà Eko Irawan Yuli đã đạt được, rõ ràng là chúng ta không có cơ sở để tiếc nuối khi Trịnh Văn Vinh “trượt vàng”. Dù sao, với Trịnh Văn Vinh, điều khiến người hâm mộ cảm thấy hài lòng nằm ở chỗ đây là tấm Huy chương bạc đầu tiên tại hạng cân 62kg nam của cử tạ Việt Nam tại đấu trường ASIAD.

Còn ở các nội dung của nữ, Vương Thị Huyền và Nguyễn Thị Thúy cũng không tạo nên bất ngờ dù có lúc Vương Thị Huyền được đánh giá là có thể đoạt huy chương tại Olympic 2016. Cả hai không thể chen chân vào nhóm đoạt huy chương, Vương Thị Huyền xếp thứ tư còn Nguyễn Thị Thúy xếp hạng năm. Điều đó cho thấy cử tạ nữ Việt Nam sẽ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để có thể cùng gánh vác nhiệm vụ giành Huy chương vàng ASIAD hay giành huy chương tại Olympic như các lực sĩ nam.

Thực tế, hình ảnh của cử tạ Việt Nam ở đấu trường ASIAD vẫn vậy - luôn chấp chới trên đường đua đến ngôi vô địch. ASIAD 2018 để lại cho cử tạ Việt Nam nỗi buồn, kèm theo đó là câu hỏi làm thế nào để có thể đổi màu huy chương?

Minh An