Nuôi dưỡng, bảo tồn động vật hoang dã: Khó trăm bề...

Đời sống - Ngày đăng : 07:25, 26/08/2018

(HNM) - Suốt ngày “làm bạn” với những con vật hoang dã, cứu chữa, chăm sóc và chờ ngày thả chúng về với rừng xanh là công việc và mong muốn của đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội.

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tiếp nhận cá thể động vật từ lực lượng chức năng khi xử lý đối tượng buôn bán trái phép.


Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh các chuồng trại, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng cho hay, hầu hết các loài động vật hoang dã tại đây đều do lực lượng chức năng tịch thu và bàn giao cho Trung tâm. Sau tiếp nhận, các cá thể này được đưa về nuôi nhốt để chăm sóc, chữa trị các vết thương; sau đó từng bước thuần dưỡng, đến thời điểm phục hồi sức khỏe, đủ khả năng sinh sống sẽ được thả về môi trường tự nhiên. Công việc hằng ngày của các anh là chuẩn bị thức ăn, chăm sóc, chữa trị vết thương (nếu có) cho các cá thể động vật; tổ chức vệ sinh, xử lý chuồng trại. Nghe qua, tưởng chừng không quá nặng nề, nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy không đơn giản. Bởi lẽ, thức ăn của các loài thường khác nhau, có loài ăn tạp, nhưng cũng có loài khá kén mồi nên việc tìm và đặt mua thức ăn cho chúng không dễ dàng. Hơn nữa, mỗi cá thể lại có sở thích ăn uống riêng, buộc nhân viên phải nắm rõ.

Chị Nguyễn Thị Hằng, cán bộ phụ trách chăn nuôi thú y của Trung tâm cho biết: Động vật hoang dã đưa đến cứu hộ tại Trung tâm đa phần được các cơ quan chức năng bắt giữ, tịch thu trên đường vận chuyển đi tiêu thụ nên nguy cơ lây bệnh giữa các loài động vật hoang dã với nhau và lây bệnh sang con người khi chúng tôi làm việc, tiếp xúc với chúng là rất cao. Thời gian đầu, với bản năng sinh tồn, chúng sẵn sàng tấn công tất cả những đối tượng chúng cho là gây ra mối nguy hiểm. Đặc biệt, những loài vật hoang dã bị con người vây bắt và bị con người làm tổn thương cơ thể thường trở nên hết sức hung dữ, khi thấy bóng dáng con người, chúng luôn cảnh giác và sẵn sàng lao vào tấn công. Chỉ khi qua thời gian thuần dưỡng, chúng cảm nhận được sự quan tâm, chăm sóc ân cần của nhân viên thì chúng mới đáp lại bằng sự thân thiện, bản năng hung dữ giảm đi phần nào...

Không chỉ đối mặt với những nguy cơ tai nạn rình rập, Trung tâm còn gặp khó khăn khi số động vật hoang dã đang được cứu hộ, bảo tồn tại đây thường xuyên quá tải so với cơ sở vật chất hiện có của đơn vị. Trong khi đó, quy trình chăm sóc động vật hoang dã cũng gặp không ít thách thức. Đó là việc nuôi dưỡng, chăm sóc động vật hoang dã trong điều kiện nuôi nhốt nếu không tốt sẽ rất dễ chết. Chưa kể, các con vật lớn tuổi hay mắc bệnh nặng, một số do bị tai nạn với rào chắn sắt hoặc cắn xé nhau... nên việc chăm sóc, điều trị vết thương rất vất vả, nhất là trong điều kiện thay đổi môi trường sống, khí hậu... Ngoài ra, thức ăn cũng phải ổn định, bảo đảm chất lượng, không thay đổi khẩu phần ăn đột ngột khi chúng mới về Trung tâm. Với đặc thù khí hậu thất thường, sự khác biệt giữa các vùng miền, nhiều trường hợp là động vật hoang dã xuất xứ từ nước ngoài rất khó nuôi dưỡng. Vì thế, việc thực hiện các quy định, nguyên tắc trong chăm sóc, thuần dưỡng các loài động vật phải nghiêm ngặt, nhằm bảo đảm cho cá thể sinh trưởng, phát triển; đồng thời, phải bảo đảm sự an toàn cho nhân viên. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm về buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp các loài động vật hoang dã thường xuyên kéo dài cũng ảnh hưởng đến chất lượng công tác cứu hộ động vật hoang dã.

Vượt qua những khó khăn, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình công tác năm 2018, xác định cụ thể lượng công việc phải hoàn thành theo từng tháng, từng quý. Từ đó triển khai, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng phòng chuyên môn, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị... để thực hiện đạt hiệu quả tốt nhất. Do vậy, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, cứu hộ, phòng trị bệnh, phục hồi sức khỏe, tổ chức thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên và chuyển giao sau cứu hộ; tổ chức phòng bệnh định kỳ theo kế hoạch và chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất cùng hệ thống chuồng trại hiện có phục vụ công tác cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản động vật hoang dã...

Bạch Thanh