Nhân văn, thiết thực

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 27/08/2018

(HNM) - Tại phiên họp thường kỳ tháng 7-2018, Chính phủ đã thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.


Mặc dù mới là chủ trương song thông tin này đã ngay lập tức thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân và hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Có thể thấy rõ, trong những năm qua, thành quả tăng trưởng toàn diện của đất nước đã tác động tích cực đến nhiều mặt đời sống, trong đó có lĩnh vực rất quan trọng là giáo dục. Từ phía Nhà nước, đó là chi đầu tư giáo dục được quan tâm, ưu tiên, dành tỷ lệ thích đáng. Tính thêm sự đóng góp của cộng đồng, tổng đầu tư toàn xã hội cho sự nghiệp trồng người ngày một tăng cao. Còn từ phía gia đình, mỗi một gia đình ngày càng có nhiều điều kiện hơn để chăm chút cho hành trình con trẻ tới trường. Nhờ đó, cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách cũng như trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, cũng ở khía cạnh đầu tư, chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo nhiều điểm chưa phù hợp. Ở không ít tỉnh, thành phố, thậm chí tại Hà Nội, nhiều gia đình vẫn khó khăn, phải chạy vạy lo cho con trẻ ăn học.

Chủ trương nêu trên, vì vậy, sẽ có tác động tích cực tới không ít gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa một cách thiết thực. Chủ trương nêu trên, cũng vì vậy, đầy tính nhân văn, bởi thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp trồng người, nhất là trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều vấn đề phải “cân đối”, tính toán chi đầu tư phát triển. Ngay cả với nhiều gia đình ở đô thị, mức học phí được miễn (khi thực hiện) dù không lớn song vẫn sẽ là nguồn động viên không nhỏ.

Tuy nhiên, để chủ trương nhân văn này, khi thực hiện, thực sự phát huy hết hiệu quả, có rất nhiều việc cần làm. Trước hết, câu chuyện đang “nóng” (đều đặn diễn ra đầu năm học mới nhiều năm nay) là vấn đề lạm thu. Khi lạm thu - dưới nhiều hình thức - còn diễn ra, nhất là “thu ngoài” lớn hơn, thậm chí lớn gấp nhiều lần học phí (chính thức) thì việc miễn học phí theo chủ trương trên không có nhiều ý nghĩa. Bởi vậy, phải có giải pháp hiệu quả hạn chế, tiến tới chấm dứt lạm thu, điều mà ngành Giáo dục cũng như TP Hà Nội đang nỗ lực thực hiện, trong đó có nhiều chế tài, hình thức xử lý nghiêm khắc vi phạm.

Thứ hai, chủ trương miễn học phí nêu trên không đồng nghĩa với hạn chế chi đầu tư giáo dục. Như Nghị quyết 104/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2018 nêu rõ: Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá cụ thể hiện trạng đầu tư, cải tạo nhà vệ sinh, cung cấp nước sạch trong trường học trước năm học mới, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tất yếu, về lâu dài, đầu tư cho cơ sở vật chất học đường, đời sống đội ngũ giáo viên vẫn là một trọng tâm ưu tiên.

Thứ ba, chủ trương miễn học phí nêu trên, đặt trong bối cảnh đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, cần sự đóng góp của toàn xã hội, bởi lẽ giáo dục là sự nghiệp toàn dân. Cách làm hiệu quả vẫn là tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa với chính sách khuyến khích cạnh tranh lành mạnh trong giáo dục và đào tạo. Khi đó, trẻ em, nhất là ở cấp mầm non cũng như các bậc học phổ thông sẽ có đầy đủ cơ hội đến trường một cách bình đẳng, phù hợp với điều kiện của mình. 

Thế Nguyên