Bàn giải pháp phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

Văn hóa - Ngày đăng : 12:31, 28/08/2018

(HNMO) - “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số - Thực trạng và giải pháp” là chủ đề hội thảo do Bộ VH-TT&DL tổ chức nhằm nhận dạng thực trạng, cơ hội và hướng phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ.

Đây là hoạt động nhằm triển khai đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 329/QĐ-TTg, ngày 15-3-2017.


Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy khẳng định, văn hóa đọc có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và sự hình thành nên những con người có trí tuệ, đạo đức, nhân cách, tâm hồn, ý thức tuân thủ pháp luật, có tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, hiện nay, trước bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh mẽ, hệ thống thư viện trên cả nước cần được cải tạo, kiện toàn, củng cố và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh, xây dựng và phát triển vốn tài liệu điện tử, kết hợp xây dựng các cơ sở dữ liệu số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc, góp phần nâng cao văn hóa đọc.


Tại hội thảo, các đại biểu đại diện cho nhiều thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, các nhà xuất bản, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung nhận dạng các tác động tích cực, thuận lợi và những hoạt động mang tính thách thức của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, đến văn hóa đọc nói chung và hoạt động thư viện nói riêng.

Các đại biểu cũng nêu thực trạng vốn tài liệu điện tử và các dịch vụ phục vụ người sử dụng của thư viện, đưa ra những giải pháp phát triển dịch vụ trực tuyến tại các thư viện, đồng thời nêu hướng tương tác giữa thư viện, các nhà xuất bản, nhà cung cấp giải pháp công nghệ cho các thư viện nhằm hình thành môi trường đọc và các tiện ích thân thiện, thuận lợi cho người sử dụng.

An Nhi