Khắc phục khó khăn trong quản lý đảng viên
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:05, 28/08/2018
Lãnh đạo Đảng ủy xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên trao đổi với cán bộ thôn về công tác xây dựng Đảng. |
Nhiều khó khăn đặt ra
Theo Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Vũ Tuấn Dũng, công tác quản lý đảng viên trong khối gặp nhiều khó khăn vì thường xuyên có biến động lớn. Mỗi năm, Đảng bộ khối kết nạp khoảng 2.000 đảng viên mới, có khoảng 3.000 lượt đảng viên chuyển sinh hoạt. Trong khi đó, việc cập nhật thông tin, số liệu chủ yếu vẫn thực hiện thủ công, trong khối hiện chưa có phần mềm quản lý riêng. Đặc biệt, số lượng đảng viên là sinh viên rất lớn, hiện tại có khoảng 2.000 đảng viên. Theo quy định, sau khi ra trường, đảng viên là sinh viên chỉ được duy trì sinh hoạt với tổ chức Đảng của trường tối đa 12 tháng. Hết thời gian trên, không ít đảng viên là sinh viên rơi vào tình trạng không có nơi sinh hoạt Đảng khi làm việc ở đơn vị không có tổ chức Đảng...
Tại các địa phương, khó khăn lớn nhất là quản lý đảng viên miễn sinh hoạt và đảng viên đi làm ăn xa. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung cho biết, huyện chưa có biện pháp hiệu quả để quản lý đảng viên đi làm ăn xa. Ngoài ra, với hơn 1.000 đảng viên được miễn sinh hoạt của Đảng bộ huyện, câu hỏi đặt ra là nếu đảng viên miễn sinh hoạt tham gia mạng xã hội trên internet, huyện có giải pháp gì để quản lý? Đồng chí Phạm Nguyên Nhung cho biết, biện pháp chủ yếu vẫn là tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn để đảng viên tỉnh táo không bị “nhiễm độc” thông tin xuyên tạc, chống phá.
Khó khăn trong quản lý đảng viên đi làm ăn xa phổ biến ở nhiều địa phương. Theo Hướng dẫn số 01-HD/TƯ ngày 20-9-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng”, nếu đảng viên đi ra ngoài địa phương nơi cư trú có lý do chính đáng và thời gian dưới 12 tháng thì chi bộ xét, đề nghị đảng ủy cơ sở cho đảng viên được tạm miễn sinh hoạt Đảng và công tác trong thời gian đó. Hết thời gian phải có nhận xét của cơ quan, chính quyền địa phương ở nơi đến hoặc phải làm bản tự kiểm điểm về việc giữ gìn tư cách đảng viên, báo cáo chi bộ để chi bộ xét cho sinh hoạt Đảng trở lại. Do vậy, nếu đảng viên không chủ động thực hiện thì rất khó để tổ chức Đảng quản lý.
Ngoài ra, tình trạng đảng viên về hưu hoặc chuyển chỗ ở không nộp giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt Đảng, né tránh không tham gia sinh hoạt Đảng ở địa phương cũng xảy ra. Việc thực hiện Quy định 76-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị “Về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú” còn nặng về hình thức cũng là một hạn chế trong công tác quản lý đảng viên hiện nay…
Cần thêm những giải pháp
Nhằm nâng cao chất lượng quản lý đảng viên, Thành ủy Hà Nội đã tập trung các giải pháp gắn với thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU ngày 26-4-2016 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016-2020”, đặc biệt là gắn với thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Trong đó, trọng tâm là các giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp thành phố thi hành kỷ luật hơn 2.000 đảng viên bằng các hình thức từ khiển trách đến khai trừ khỏi Đảng đã có sức răn đe lớn.
Thời gian qua, nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng cũng đã chủ động đổi mới, triển khai một số biện pháp nhằm khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng quản lý đảng viên. Phổ biến và mang lại hiệu quả là giải pháp phân công nhiệm vụ cho đảng viên ngay từ đầu năm và định kỳ đánh giá. Tại huyện Thạch Thất, hầu hết các chi bộ đều phân công rõ nhiệm vụ cho từng đảng viên. Với huyện Quốc Oai, hằng năm, chi bộ tổ chức hội nghị đại biểu quần chúng để ban chi ủy, đảng viên tự phê bình và tiếp thu những phê bình, đóng góp nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém...
Nâng cao chất lượng công tác quản lý đảng viên đòi hỏi sự chủ động, trách nhiệm của tất cả các cấp ủy Đảng, trước hết là cấp cơ sở. Theo Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Vũ Tuấn Dũng, để quản lý đảng viên là sinh viên sau khi ra trường có thể cho thành lập chi bộ văn phòng nhà trường, đồng thời kéo dài thời gian sinh hoạt Đảng của đảng viên là sinh viên sau khi tốt nghiệp với tổ chức Đảng trong trường đại học, cao đẳng. Đồng chí Vũ Tuấn Dũng và Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung đều kiến nghị sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đảng viên liên thông trong toàn thành phố và rộng hơn là cả nước. Có như thế, công tác quản lý đảng viên mới được chủ động, chặt chẽ.