Truyền thông, tư vấn sức khỏe cho lao động nữ: Chưa đáp ứng yêu cầu

Đời sống - Ngày đăng : 06:39, 29/08/2018

(HNM) - Hiệu quả truyền thông, tư vấn sức khỏe cho nữ công nhân, lao động vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Thực tế này cho thấy cần có thêm nhiều giải pháp phù hợp, bảo đảm nữ công nhân có sức khỏe tốt, có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho doanh nghiệp và xã hội.

Ảnh minh họa


Đến từ sớm để dự buổi truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản - tình dục cho nữ công nhân lao động do Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội phối hợp với Quỹ Vì tầm vóc Việt tổ chức, chị Nguyễn Thị Hương (công nhân Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài) chia sẻ: Công nhân đi làm cả ngày, ít có thời gian, điều kiện tìm hiểu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản nên rất thiệt thòi. Đang mang thai lần đầu nên chị tập trung nghe những kiến thức về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tinh thần sau sinh. Chị sẽ áp dụng những kiến thức này cho bản thân và chia sẻ với bạn bè.

Còn chị Lê Thị Hà (công nhân Công ty TNHH Asti, Khu công nghiệp Quang Minh) cho biết, sau khi được tham dự buổi truyền thông về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản... do công đoàn tổ chức, chị mong muốn được tham dự nhiều buổi tư vấn tương tự để giúp chị, đồng nghiệp có kiến thức bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.

Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Trần Thu Phương đánh giá: Nhiều năm qua, Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã tiến hành các hoạt động tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân lao động. Riêng năm 2018, công đoàn đã tổ chức được 27 buổi. Hình thức tuyên truyền cũng được đổi mới theo hướng phong phú, đa dạng, linh hoạt như vào giờ nghỉ trưa, lồng ghép trong chương trình khám sức khỏe, trong lớp đào tạo nghề, phát tài liệu… Công đoàn cũng mời các chuyên gia tư vấn là bác sĩ, nhà khoa học có chuyên môn sâu, kinh nghiệm phong phú để truyền đạt kiến thức, được người lao động và doanh nghiệp đánh giá cao.

Tuy nhiên, hiệu quả truyền thông về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhận thức của một bộ phận người lao động trong các khu công nghiệp và chế xuất về sức khỏe sinh sản vẫn còn hạn chế. Tình trạng mang thai ngoài ý muốn gây hậu quả đối với chính bản thân người lao động cũng như cho xã hội. Không ít người lao động đến cơ sở y tế tư nhân gần các khu công nghiệp để phá thai, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trong khi đó, việc sắp xếp, tổ chức cho người lao động được truyền thông về chăm sóc sức khỏe còn khó khăn do doanh nghiệp sản xuất theo dây chuyền thường xuyên, liên tục. Không ít lao động nhận thức chưa đầy đủ nên chủ quan (không cần nghe) hoặc e ngại, lảng tránh, không mặn mà với việc tìm hiểu kiến thức, tham dự các buổi truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản. Kinh phí dành cho công tác này cũng còn hạn chế.

Nhằm nâng cao sức khỏe cho nữ công nhân lao động, rất cần mở rộng các hoạt động truyền thông, khám, tư vấn sức khỏe. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cần phối hợp với các cấp, ngành, chủ sử dụng lao động tập trung xây dựng các công trình phúc lợi như khu vui chơi, giải trí, điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao… để công nhân lao động các khu công nghiệp tăng cường giao lưu, học hỏi, nâng cao kiến thức xã hội cũng như tăng cường sức khỏe cho bản thân.

Nữ công nhân có sức khỏe tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc sẽ có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho doanh nghiệp và xã hội. Vì vậy, nữ công nhân lao động trong các khu công nghiệp và chế xuất rất cần được quan tâm nhiều hơn.

Linh Chi