Nâng cao năng lực cạnh tranh

Kinh tế - Ngày đăng : 06:44, 29/08/2018

(HNM) - Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, Việt Nam phải chấp nhận các “luật chơi”, trong đó có việc đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Thông tin được niêm yết công khai, rõ ràng chính là điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Khách hàng kiểm tra truy xuất nguồn gốc các mặt hàng tại siêu thị. Ảnh: Minh Thành


Chưa được áp dụng rộng rãi

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay sự quan tâm của người tiêu dùng không chỉ giới hạn ở chất lượng hay mẫu mã sản phẩm, mà còn gồm cả thông tin liên quan tới quá trình tạo ra sản phẩm và đưa sản phẩm đến khách hàng cuối cùng, nhất là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như dược phẩm, thực phẩm, đồ uống,... Vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã, đang trở thành tiêu chuẩn bắt buộc. Trên thế giới, truy xuất nguồn gốc đã được thực hiện rộng rãi nhằm hướng tới sản xuất và thương mại văn minh.

Tại hội thảo “Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi trong thương mại” do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Tham tán Nông nghiệp (Đại sứ quán Australia) tại Việt Nam Amy Guihot cho biết, truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một phần quan trọng của hệ thống quản lý thực phẩm tại Australia. Doanh nghiệp chế biến thực phẩm phải xác định được nguồn gốc của nguyên liệu đầu vào, quy cách đóng gói, tên và địa chỉ của nhà cung cấp, ngày giao dịch và giao hàng, khối lượng, số lượng sản phẩm khi giao hàng… Việc truy xuất nguồn gốc không chỉ làm minh bạch quá trình sản xuất, chống gian lận, làm giả, nhái sản phẩm, mà còn nâng cao giá trị sản phẩm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người tiêu dùng chưa hiểu đúng giá trị cũng như nguyên lý của tem truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn gặp khó khăn khi tự nghiên cứu, xây dựng, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể. Hiện, việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên thực phẩm mới chỉ được áp dụng ở một số mặt hàng nhất định tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Hệ thống truy xuất nguồn gốc còn khép kín, chủ yếu do các doanh nghiệp tự sản xuất, vận hành nên phạm vi và đối tượng sử dụng còn hạn chế. Ngoài ra, các loại tem truy xuất nguồn gốc này còn dễ bị làm giả, sao chép khiến người tiêu dùng không hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ.

Tiêu chuẩn bắt buộc

Nhận thức được vai trò của truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với doanh nghiệp và người dân, hoạt động này đang được các cơ quan chức năng triển khai nhanh chóng. Điển hình như tại Hà Nội, công tác quản lý chất lượng thực phẩm ngày càng được chú trọng, giúp người tiêu dùng được sử dụng nguồn thực phẩm sạch từ nông trại đến bàn ăn. Hà Nội đang áp dụng sáng chế "Quy trình xác thực chống hàng giả", sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm và đã có 21 tỉnh, thành phố hưởng ứng tham gia để thống nhất bộ mã truy xuất khi sản phẩm hàng hóa lưu thông trên địa bàn Hà Nội. Người dân có thể dùng điện thoại smartphone kiểm tra các quy trình sản xuất của doanh nghiệp và có sự so sánh giữa các sản phẩm cùng một chủng loại trên cùng một hệ thống với giá cả phù hợp nhất. Đây là thành công lớn của Hà Nội trong việc đi đầu ứng dụng khoa học công nghệ để quản lý an toàn thực phẩm, quản lý thương mại, chính quyền điện tử... UBND TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, 100% chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn sẽ sử dụng mã QR Code truy xuất nguồn gốc.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết: Trên thị trường còn rất nhiều sản phẩm không được truy xuất nguồn gốc và nhiều cách truy xuất nguồn gốc chưa tốt, ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần quy định rõ những yêu cầu kỹ thuật, điều kiện hành nghề cho các công ty cung cấp dịch vụ truy xuất nguồn gốc, tránh tình trạng người tiêu dùng mất lòng tin về hoạt động này. Bên cạnh đó, khuyến khích các công ty công nghệ áp dụng những tiêu chí kỹ thuật của các nước nhập khẩu như áp dụng Blockchain, IoT, GS1-EPCIS,... cho hàng xuất khẩu để tạo lợi thế cho hàng Việt Nam.

Ông Lê Đại Dương, đại diện Công ty TNHH Công nghệ iShopgo cho rằng: Cần làm kỹ việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa để ngăn chặn tình trạng “phù phép” cho hàng kém chất lượng, hay tẩm hóa chất nông sản. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải xác định rõ truy xuất nguồn gốc hàng hóa không chỉ là việc dán tem đơn thuần, mà phải quản lý được toàn bộ từ khâu sản xuất đến cung ứng sản phẩm. Đồng thời, phải hỗ trợ được giao thương, sản xuất, nhập khẩu và buôn bán, trao đổi thông tin thương mại; phải tạo được hàng rào kỹ thuật để bảo đảm thị trường lành mạnh, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế…

Có thể thấy, khi thông tin về sản phẩm được niêm yết công khai, rõ ràng và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về thông tin sản phẩm thì đây sẽ là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trước sức ép hội nhập kinh tế quốc tế.

Thanh Hiền