Hà Nội: Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 7,4%

Kinh tế - Ngày đăng : 12:00, 30/08/2018

(HNMO) - Công bố của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, 8 tháng, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.


Trong đó, ngành khai khoáng giảm 8,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%; cung cấp nước và hoạt động thu gom xử lý rác thải, nước thải tăng 8,5%.

Nhóm ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp với xu hướng tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước, là nhóm đóng vai trò quan trọng và là động lực chính trong tăng trưởng của toàn ngành.

Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, một số ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn và có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất đồ uống, sản xuất trang phục, sản xuất da và sản phẩm liên quan, sản xuất hóa chất và sản phẩm liên quan...

(ảnh minh họa, nguồn: internet)


Cũng 8 tháng qua, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 372.108 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng đạt 808 tỷ đồng, giảm 6,2%; công nghiệp chế biến chế tạo đạt 359.789 tỷ đồng, tăng 9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,9%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 8,8%.

Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh (giá năm gốc 2010) đạt 313.443 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng tăng 1% so cùng kỳ năm trước. Một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ là sản xuất đồ uống; công nghiệp dệt; sản xuất trang phục; sản xuất sản phẩm gỗ, mây tre đan.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, bài toán khó giải nhất của nền kinh tế hiện nay là tình trạng tồn kho lớn. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8 tăng 19,4% so với tháng trước và tăng 2% so với cùng thời điểm năm trước.

Thành phố đã đưa ra giải pháp ký cam kết sử dụng, tiêu dùng hàng nội bộ của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, đồng thời với tăng cường cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… để đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, tạo đà tiêu thụ sản phẩm từ nay đến cuối năm 2018.

Trong tháng 8, tồn kho nhiều nhất so cùng kỳ là ngành sản xuất đồ uồng, tăng 30,5%; sản xuất thuốc lá, tăng 141,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, tăng 123%.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng

Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng mức bán ra của thương mại, khách sạn nhà hàng, dịch vụ tháng 8 đạt 210.615 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ.

Tháng 8, mùa khai giảng năm học 2018-2019 tới gần. Học sinh, sinh viên bắt đầu nhập học nên nhu cầu mua sắm đồng phục, sách giáo khoa, đồ dùng học tập của học sinh tăng cao có mẫu mã khá đa dạng với mức giá tương đối ổn định. Cùng đó là sự sôi động của các ngành hàng may mặc đồng phục, cặp sách với các sản phẩm đa dạng mẫu mã, giá cả, chất lượng đã khiến các mặt hàng cho ngày tựu trường của học sinh các cấp sớm vào cuộc đua tranh.

Các công ty trong nước cũng nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của thị trường đưa ra những mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo giá cả hợp lý. Các đồ dùng học tập do Việt Nam sản xuất năm nay có nhiều cải tiến về chất lượng, mẫu mã và nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.

Trên thị trường, các sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc vẫn được bày bán khá nhiều ở các nhà sách, song người tiêu dùng vẫn ưu tiên sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước hơn phần vì lo ngại về chất lượng và tính an toàn dành cho con em.

Tại một số điểm cung cấp đồ dùng học tập, sách giáo khoa có uy tín tại Hà Nội đẩy mạnh triển khai Chương trình khuyến mại, hàng Việt chất lượng, giá ưu đãi..., lượng khách mua tăng từ 30-50% so với những tháng trước.

Tính chung 8 tháng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 9,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 323.061 tỷ đồng, tăng 8,9%.

Chia theo thành phần kinh tế, trong tổng mức bán ra, kinh tế nhà nước đạt 230.637 tỷ đồng, tăng 6,7% so cùng kỳ; kinh tế ngoài nhà nước 1,25 triệu tỷ đồng, tăng 10,4%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 120.374 tỷ đồng, tăng 4,7%.

Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 9,1 tỷ USD


Cũng 8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,16 tỷ USD, tăng 19% so cùng kỳ. Điểm nổi bật là kim ngạch xuất khẩu của các nhóm hàng đều tăng so cùng kỳ. Đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu là hàng nông sản, xăng dầu, dệt may.

Thị trường tăng trưởng mạnh nhất là Malaysia, tăng khoảng 80% so cùng kỳ; tiếp đến là Thái Lan (tăng 27,1%), Hoa Kỳ (tăng 18%). Trong khi đó, thị trường Trung Quốc chỉ tăng 1,2% cho thấy thị trường xuất khẩu đã có sự chuyển dịch từ Trung Quốc sang khối Asean.

Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2,032 tỷ USD, tăng 6,2% so cùng kỳ năm trước. Trị giá nhập khẩu một số mặt hàng tăng là xăng dầu, hóa chất. Thị trường nhập khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ, tăng 8%; Trung Quốc, tăng 10%.

Hương Thủy