Cách nào dẹp "chợ vũ khí" trên mạng?
Pháp luật - Ngày đăng : 06:55, 31/08/2018
“Vũ khí nóng” bán trên mạng bị công an thu giữ trong một vụ án. |
Dễ dàng mua, bán “hàng nóng”
Chỉ cần lướt mạng xã hội Facebook với từ khóa “vũ khí tự vệ, súng ngắn, chợ vũ khí…” là hiện ra hàng nghìn các trang với vô số hình ảnh về “hàng nóng”. Trên mạng internet cũng không khó để tìm thấy các trang bán hàng với tên gọi “nhẹ nhàng” như, “shop công cụ tự vệ”, “công cụ hỗ trợ an ninh”, “công cụ tự vệ gia đình”, “thietbituve.com”... Tại những trang này, có nhiều thông tin rao bán các công cụ để tự vệ và tấn công như: Kìm điện, roi sắt, bình xịt hơi cay, còng số 8, thậm chí là dao, kiếm, súng bắn đạn bi sắt..., với giá từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng hoặc cao hơn tùy loại. Người mua chỉ cần để lại tên, số điện thoại, địa chỉ, "hàng nóng" sẽ được giao đến tận nhà, hết sức đơn giản và dễ dàng.
Còn nhớ, tháng 3-2018, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) phát hiện, bắt giữ đối tượng Hoàng Anh Ngọc (sinh năm 1990, quê ở tỉnh Hòa Bình, tạm trú ở quận Nam Từ Liêm) có hành vi buôn bán trái phép các sản phẩm là công cụ hỗ trợ qua Facebook. Kiểm tra nơi ở của Ngọc, cơ quan công an phát hiện và thu giữ hàng nghìn sản phẩm, gồm: Bình xịt hơi cay, dao gấp, súng cao su, gậy ba khúc, dao nhọn dạng móc khóa, gậy bóng chày, dao bấm, tuýp sắt gắn lưỡi lê…, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Trung úy Nguyễn Xuân Cương, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) cho biết, phương thức hoạt động của các đối tượng buôn bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng internet khá giống nhau; chủ yếu núp bóng “công cụ tự vệ”, không có địa chỉ cụ thể, chỉ bán trực tuyến trên mạng... Việc mua, bán được thực hiện với thủ đoạn chia vũ khí, công cụ hỗ trợ thành nhiều bộ phận, gửi đi nhiều lần, sau đó người nhận sẽ lắp ráp thành vũ khí hoàn chỉnh. Tuy nhiên, để tìm ra manh mối của đối tượng buôn bán cũng rất phức tạp do chúng chủ yếu sử dụng các trang web được đăng ký lưu trữ trên máy chủ ở nước ngoài.
Cần sự hợp tác của “cư dân mạng”
Vũ khí thô sơ bày bán công khai tại một trang web. |
Trung tá Dương Minh Tùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (Phòng Cảnh sát hình sự) cho rằng, việc mua bán dễ dàng, tràn lan vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ đã giúp sức cho một số đối tượng lưu manh, buôn bán hàng cấm…, sử dụng làm vũ khí, vừa để phòng thân, vừa để tấn công. Thời gian qua đã xảy ra một số vụ án liên quan đến vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Đơn cử như, vụ việc Trần Đức Anh (sinh năm 1994, trú ở quận Ba Đình) sử dụng súng bắn đạn bi sắt và dao găm để khống chế, bắt cóc một phụ nữ (ngày 29-10-2017). Đối tượng này sau đó đã bị lực lượng chức năng khống chế, còn người phụ nữ được giải cứu an toàn.
Để ngăn chặn các hành vi vi phạm, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (có hiệu lực ngày 1-7-2018) đã quy định cụ thể hơn về các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trong danh mục nghiêm cấm tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán so với Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trước đây. Ngoài ra, Thượng tá Nguyễn Bình (Trưởng phòng Cảnh sát hình sự) cho biết, các tổ công tác 141 đã phát huy được hiệu quả trong việc chủ động phòng ngừa, phát hiện, bắt giữ những đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ gây mất an ninh trật tự. Công an thành phố cũng xây dựng kế hoạch, chuyên đề nhằm phát hiện, chặn đứng nguồn cung cấp, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên địa bàn.
Đưa ra khuyến cáo, Thượng tá Hà Thị Hằng (Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) cho rằng, không chỉ cơ quan chức năng mà người sử dụng mạng xã hội cần nâng cao ý thức để kiểm tra, phát hiện kịp thời, yêu cầu nhà mạng gỡ bỏ các tài khoản mạng xã hội quảng cáo, rao bán vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ. Sự hợp tác của “cư dân mạng” sẽ góp phần tích cực ngăn chặn hiểm họa từ những "chợ vũ khí" bất hợp pháp hiện nay.
Thống kê của Bộ Công an cho thấy, qua 6 năm (2012-2018) thực hiện Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gây án đạt 91,8%. |