Nhớ Mùa thu Cách mạng
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:55, 31/08/2018
Những ký ức không phai…
Chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Tiến Hà (sinh năm 1928), từng tham gia phong trào Thanh niên kháng Nhật và lễ mít tinh chào mừng Quốc khánh 2-9-1945 vào một buổi tối cuối tháng Tám. Hồi ức về những ngày tháng lịch sử đó, từ việc Việt Minh phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo, cướp kho súng Nhật, đến việc toàn dân đồng lòng xuống đường mít tinh ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh, tạo nên thời cơ để tổng khởi nghĩa giành chính quyền... vẫn vẹn nguyên trong ông.
Đại tá Nguyễn Bội Giong ôn lại kỷ niệm về những ngày tham gia Cách mạng Tháng Tám. |
Năm 18 tuổi, ông Nguyễn Tiến Hà hăng hái gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và được giao nhiệm vụ truyền bá chữ quốc ngữ cho nhân dân. Ông kể: “Danh nghĩa là việc dạy chữ cho người thất học, nhưng thực chất thông qua việc dạy chữ để vận động cách mạng, giác ngộ cho người dân lao động biết được hoàn cảnh của đất nước, sự bóc lột của đế quốc, cùng đoàn kết đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc”.
Trên căn gác nhỏ số 16 phố Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, nghe Đại tá Nguyễn Bội Giong (sinh năm 1926) trò chuyện, không ai nghĩ ông đã 92 tuổi, bởi sự minh mẫn và trí nhớ rất đáng nể phục. Vị đại tá chậm rãi kể: “Thời điểm đó (8-1945), tôi là Chính trị viên Trung đội Tự vệ vũ trang khu vực Sét lên tham gia cùng nhiều đơn vị của Việt Minh khác chiếm giữ Trại Bảo an binh trung ương. Trước khí thế vũ bão của cách mạng, cùng sự vận động của chúng tôi, lực lượng bảo an binh đã phải mở cửa cho lực lượng của ta vào trong chiếm giữ kho súng. Số lượng súng rất lớn ngay sau đó được giao cho đại diện của Tổng bộ Việt Minh đến tiếp nhận để kịp thời trang bị cho một số đơn vị Tây tiến và Nam tiến”. Lúc bấy giờ cụ Nguyễn Bội Giong cũng mới 19 tuổi...
Cách mạng Tháng Tám diễn ra khi bà Từ Ngọc Hoan (tức Hoan Thủy) mới 15 tuổi cùng chị gái là Từ Ngọc Trang Anh - 17 tuổi, tham gia vào các nhiệm vụ: Giao thông liên lạc, cất giấu tài liệu, canh gác cho cán bộ họp... Bà Hoan nhớ lại: “Chị em tôi đều là học sinh Trường Đồng Khánh. Chị Trang Anh tham gia cách mạng từ rất sớm. Ngày 17-8-1945, một số thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu trong đó có chị tôi nhận chỉ thị của Ủy ban Kháng chiến Hà Nội phải phá cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật, kêu gọi nhân dân Hà Nội ủng hộ Việt Minh, nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân lao động”.
Được trang bị một khẩu súng ngắn, cô bé Hoan lúc ấy mặc áo dài trắng, tay xách làn, đứng dưới khán đài, yểm trợ cho chị mình và một đồng chí khác. Sau đó, trong không khí hân hoan của cuộc tổng khởi nghĩa thành công, để chuẩn bị cho ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, bà Hoan đã tham gia vận động các gia đình may cờ Tổ quốc, đồng thời thông báo rộng rãi cho mọi người dân về lễ mít tinh. Kể lại câu chuyện của mình cách đây đã 73 năm, trong mắt bà Từ Ngọc Hoan vẫn ánh lên niềm vui và hãnh diện: “Nếu không có những ngày Tháng Tám lịch sử đó, không có Bác Hồ thì tôi cũng không có ngày hôm nay”.
… Và niềm tin tất thắng
Lần giở cuốn album ảnh kỷ niệm, nhớ lại Ngày Quốc khánh đầu tiên, Đại tá Nguyễn Bội Giong vẫn bồi hồi: “Sau khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội thành công, tôi được giao cùng Trung đội Tự vệ vũ trang của khu vực Sét lên bảo vệ kỳ đài Ba Đình trong ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - tôi rất tự hào. Từ sáng sớm ngày 2-9-1945, thành phố tưng bừng cờ hoa, người dân Hà Nội và các vùng phụ cận tập hợp về Quảng trường Ba Đình. Tại Quảng trường Ba Đình, tôi được xếp trong đội ngũ vũ trang bảo vệ vòng hai cách kỳ đài hơn 100m. Khi Bác hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Tôi cũng hô to: “Có! Có!”… Từ lúc ấy, tôi nhận thức rõ cuộc đời mình đã bước sang một giai đoạn hoàn toàn khác... Tôi tự nhủ, mình sẽ cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giành độc lập của Tổ quốc Việt Nam yêu quý”.
Từ một chiến sĩ kiên cường của trung đội tự vệ, Nguyễn Bội Giong gia nhập lực lượng bộ đội chính quy, rồi được giao làm Bí thư quân sự của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, tham gia chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và đặc biệt là làm sĩ quan tham mưu trực tiếp phục vụ Đại tướng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông về hưu mang cấp hàm đại tá với nhiều thành tích vẻ vang trong chiến đấu. Đại tá Nguyễn Bội Giong khẳng định: “Có trải qua những năm tháng lầm than chịu ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và chế độ phong kiến bù nhìn mới thấu hiểu được ý nghĩa lớn lao của Cách mạng Tháng Tám, cuộc cách mạng đưa những người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người tự do, làm chủ đất nước”.
Nhiều lần kể những câu chuyện về Thủ đô trong những ngày Mùa thu Cách mạng, ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập cho những người trẻ như chúng tôi nghe và lần nào cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu Nguyễn Tiến Hà cũng cảm thấy bồi hồi xúc động. Suốt cuộc đời cách mạng của mình, ông luôn đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vui mừng trước sự thay đổi của Thủ đô và đất nước. Ông bảo: “Những ngày tháng hào hùng, sôi nổi chiến đấu với kẻ thù để giành chính quyền, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc là những ngày đẹp nhất cuộc đời tôi. Nghề thầy giáo cũng bắt đầu từ ngày đó và theo tôi suốt cuộc đời”. Sau nhiều năm cống hiến cho ngành Giáo dục, ông Nguyễn Tiến Hà vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Hồi ức đẹp về những ngày tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, tham gia Ngày Quốc khánh đầu tiên là dấu ấn không thể mờ phai đối với bà Từ Ngọc Hoan, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà và Đại tá Nguyễn Bội Giong. Dù đã trải qua nhiều giai đoạn hoạt động cách mạng với nhiều cương vị khác nhau, chứng kiến nhiều thời khắc quan trọng của lịch sử nhưng đối với họ mùa thu năm ấy mãi mãi không bao giờ quên.
Và những câu chuyện, những trang sử hào hùng về Mùa thu Cách mạng 73 năm trước đang truyền tiếp ngọn lửa yêu nước của thế hệ cha ông cho thế hệ hôm nay và mai sau, để mãi tỏa sáng tinh thần, khí phách Việt Nam.