Hướng đến an sinh bền vững
Bất động sản - Ngày đăng : 06:56, 31/08/2018
Còn nhiều rào cản
Mới đây, nhiều hộ dân tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức không đồng ý với phương án bồi thường khi bị giải tỏa, thu hồi đất để xây dựng dự án Vành đai 2 (đoạn từ cầu Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng). Nguyên nhân là do giá bồi thường không thỏa đáng, thấp hơn giá thị trường. Với số tiền bồi thường này, họ cho rằng không đủ để mua đất xây nhà sau khi di dời. Đây không phải là trường hợp hiếm hoi xảy ra trong giải phóng mặt bằng khi thành phố thực hiện các dự án đô thị hóa hiện nay.
Nhiều dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị đình trệ có nguyên nhân từ chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. |
Thực tế cho thấy, đa số các trường hợp thu hồi đất tính giá bồi thường thấp hơn giá thị trường, đặc biệt là các trường hợp thu hồi để phục vụ công tác chỉnh trang đô thị, xây dựng nhà ở và đô thị mới. Giá bồi thường mà chủ đầu tư công bố thường chỉ bằng khoảng 40-50% giá thị trường. Điều này dẫn đến sự thiếu đồng tình của người dân bị thu hồi đất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khiếu nại, làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Để khắc phục, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã đề xuất với UBND thành phố được sử dụng thông tin giao dịch trên thị trường làm cơ sở xác định giá đất để tính giá bồi thường.
Ngoài vấn đề trên, theo các chuyên gia, còn nhiều tồn tại về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại TP Hồ Chí Minh như tình trạng thừa - thiếu nhà ở, đất ở tái định cư (mới đây thành phố phải bán đấu giá hàng nghìn căn hộ, nền đất tái định cư); chính sách bồi thường thường xuyên thay đổi dẫn đến tình trạng so bì, khiếu nại; hỗ trợ hậu tái định cư chưa hiệu quả…
Nhìn lại những dự án đã bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại thành phố cho thấy, không ít trường hợp người dân sau khi bị thu hồi đất đến nơi ở mới có cuộc sống không được bằng như trước. Mặc dù họ có nhà ở mới, thậm chí khang trang hơn nhưng cuộc sống lại không bền vững, nhiều người đã bán đi căn hộ tái định cư bởi những lý do như: Không phù hợp với thói quen sinh hoạt, mất nguồn mưu sinh, xa nơi làm việc, học hành... Đây là vấn đề đáng quan tâm hiện nay khi thành phố còn phải di dời hàng chục nghìn hộ dân để thực hiện các dự án giao thông, chỉnh trang đô thị từ nay đến năm 2020.
Không chỉ là chỗ ở tái định cư
Trước đây, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chủ yếu hướng đến mục tiêu bảo đảm đối tượng bị ảnh hưởng có nơi ở mới. Tuy nhiên, như thế là chưa đủ, người bị ảnh hưởng bởi dự án còn cần “tư liệu sản xuất”, cùng nhiều nhu cầu khác cả về vật chất lẫn tinh thần. Theo các chuyên gia, chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đáp ứng các yêu cầu như: Đồng bộ, thống nhất, khách quan, ổn định, hài hòa lợi ích cho các bên có liên quan; tạo sự đồng thuận từ đối tượng bị thu hồi đất để họ ủng hộ dự án, hợp tác với chủ đầu tư cũng như chính quyền; nhà ở, đất ở tái định cư không phải là mục tiêu cuối cùng mà cần đi kèm phương tiện, điều kiện mưu sinh.
Để giải quyết vấn đề này, UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Quyết định này đã đề ra chính sách hỗ trợ linh động, đáp ứng được các nhu cầu, nguyện vọng khác nhau của từng đối tượng bị thu hồi đất. Cụ thể, nếu đủ điều kiện theo quy định, người bị ảnh hưởng có thể được hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu hoặc hỗ trợ tự lo chỗ ở mới (tùy theo nguyện vọng). Trường hợp người có nhu cầu nhận đất ở, nhà ở tái định cư nhưng số tiền bồi thường thấp hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu sẽ được Nhà nước hỗ trợ khoản chênh lệch đó để họ có nơi ở ổn định.
Đặc biệt, Quyết định 28/2018/ QĐ-UBND đã bổ khuyết cho chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước đây là hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho đối tượng bị thu hồi đất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với đối tượng bị thu hồi đang sản xuất trên đất nông nghiệp. Ngoài ra, dự án tái định cư được lập và phê duyệt độc lập với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng phải bảo đảm có đất ở, nhà ở tái định cư trước khi có quyết định thu hồi đất. Trường hợp tái định cư tại chỗ thì phải có phương án bố trí chỗ ở khác cho người dân hoặc chi trả tiền thuê nhà trong thời gian chờ xây dựng khu tái định cư.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, qua công tác thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng phát triển, thành phố rút ra được nhiều kinh nghiệm. Trong đó, “chìa khóa” để một dự án thành công là chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của thành phố đưa ra phải hướng đến mục tiêu an sinh bền vững cho đối tượng bị ảnh hưởng.