Tôn trọng tiếng nói cộng đồng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:06, 01/09/2018
Như vậy, giám sát và phản biện xã hội có phạm vi rất rộng. Với việc được quy định trong Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, văn bản chỉ đạo của Đảng… những chế định này ngày càng ngấm sâu vào cuộc sống. Tại Hà Nội, thực tế 10 năm qua, gần 40.000 vụ việc đã được ban giám sát đầu tư của cộng đồng các địa phương giám sát và phát hiện hơn 10.000 công trình vi phạm… Con số này mang nhiều ý nghĩa khi từ những vùng nông thôn mới hay những công trình dân sinh ở nội đô đều có dấu ấn của hoạt động giám sát. Điều này góp phần tiết kiệm tối đa chi phí cho xã hội, chất lượng công trình được bảo đảm.
Tương tự, dù mới, nhưng khắc phục những lúng túng ban đầu, Hà Nội vẫn là địa phương tiên phong cả nước về hoạt động phản biện xã hội. Những phản biện ý nghĩa, liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân như “Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”… đã thực sự tôn trọng tiếng nói của người dân. Qua đó cho thấy, đây là kênh thông tin quan trọng của cả người dân và cơ quan quản lý.
Trên thực tế, giám sát và phản biện xã hội là đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn đời sống, tránh để thực trạng "chính sách thì trên trời, cuộc sống thì dưới đất". Song, đòi hỏi này còn gặp khó khăn khi nhiều nơi còn lúng túng trong lựa chọn nội dung thực hiện; kết quả giám sát và phản biện chưa đều; một số nơi làm hình thức, thụ động; kỹ năng, năng lực trình độ cán bộ còn hạn chế; việc theo dõi thực hiện sau giám sát và phản biện nhiều nơi làm chưa tốt...
Do đó, điều cấp thiết đặt ra là cần "nằm lòng" những nguyên tắc, quan điểm trong thực hiện Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TƯ ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị, từ cấp thành phố tới cơ sở. Tiếp đến là phát huy vai trò chủ động của chủ thể giám sát, phản biện và phải tạo được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ nhân dân. Muốn vậy, việc tuyên truyền cần được đẩy mạnh, người dân phải trở thành tâm điểm, là chủ thể trong hoạt động này.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, thực hiện tốt vai trò vừa là thành viên, vừa là tổ chức lãnh đạo Mặt trận. Sự quan tâm của cấp ủy như thực hiện tốt quy chế phối hợp, thống nhất hành động giữa MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội với chính quyền các cấp; bố trí cán bộ có năng lực, trình độ… sẽ góp phần khẳng định hiệu quả công tác này. Cùng với đó là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các ban tư vấn, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng để các chủ thể tham góp, phản biện các công việc ở địa phương. Đồng thời, cần có cơ chế bảo vệ những người dám giám sát, kiến nghị, để khuyến khích họ thực hiện quyền là chủ của mình.
Nhằm xóa bỏ tính hình thức, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần lựa chọn những vấn đề thiết thực để xây dựng kế hoạch giám sát và phản biện xã hội... Đặc biệt, sau giám sát, phản biện, cần theo dõi, đôn đốc cấp thẩm quyền giải quyết các đề xuất, kết luận, kiến nghị một cách dứt điểm.
Khi cả lượng và chất đều tăng, giám sát và phản biện xã hội sẽ ngày càng sâu rộng, sắc nét và huy động được sức dân một cách trọn vẹn.