Đáp ứng sự hài lòng của du khách
Du lịch - Ngày đăng : 06:40, 01/09/2018
Qua lần khảo sát du lịch cộng đồng ở một số làng nghề tại huyện Thường Tín mới đây, mỗi khi có nhu cầu đi vệ sinh, các thành viên đều phải nhờ nhà dân, bởi trên đường làng không có nhà vệ sinh công cộng. Đấy có thể là điều bình thường ở các làng nghề không phát triển du lịch. Nhưng nếu muốn làm du lịch lại là câu chuyện khác, bởi khách không thể cứ vào nhà dân để xin đi vệ sinh nhờ.
Du khách tham quan, trải nghiệm tại làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Hiền Nhân |
Còn ở xã Cổ Đô (Ba Vì), sau chuyến khảo sát, đại diện Sở Du lịch Hà Nội đề xuất phải xây mới 3 nhà vệ sinh và tu sửa lại nhà vệ sinh tại Bảo tàng Mỹ thuật của xã. Theo đánh giá, Cổ Đô có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng nhờ thương hiệu “Làng họa sĩ”, trong đó có điểm đến là Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô. Tuy nhiên, do bảo tàng được đưa vào sử dụng từ gần chục năm trước nên đến nay, nhà vệ sinh đã xuống cấp nghiêm trọng. Chuyện tưởng nhỏ nhưng sẽ là bất lợi cho xã khi muốn phát triển du lịch cộng đồng.
Cũng ở huyện Ba Vì, khi đoàn khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội đến xã Ba Vì, vấn đề được nhiều thành viên trong đoàn quan tâm cũng chính là hệ thống nhà vệ sinh sẽ được xử lý như thế nào khi xã muốn phát triển du lịch cộng đồng vì nơi đây có nghề làm thuốc nổi tiếng của người Dao. Hiện tại, khách du lịch đến đây thường được đưa đến một hộ dân làm nghề thuốc và có thể sử dụng nhà vệ sinh của hộ dân đó. Nhưng nếu xã chủ động làm du lịch cộng đồng rộng hơn, lúc ấy đương nhiên phải cần đến nhà vệ sinh công cộng để đáp ứng nhu cầu của khách...
Hiện việc đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh phục vụ du khách tại các điểm du lịch cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn đã được phân cấp cho UBND quận, huyện, thị xã. Chính vì vậy, việc này hoàn toàn phụ thuộc vào cấp quận, huyện, thị xã. Thực tế, những ý kiến đóng góp từ các cuộc khảo sát đã đưa đến những hiệu quả nhất định. Gần đây, những họa sĩ gắn bó với Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô đã thông báo, nhà vệ sinh của bảo tàng sẽ sớm được nâng cấp. Tất nhiên, để đáp ứng yêu cầu còn cần đến cả sự quyết liệt trong đầu tư của chính quyền địa phương bên cạnh việc đầu tư hệ thống hạ tầng khác như đường, nhà hàng, nơi lưu trú...
Không ngẫu nhiên khi Tổng cục Du lịch đã đánh giá, dù Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch cao nhất thế giới nhưng còn tồn tại một số hạn chế, trong đó có việc thiếu nhà vệ sinh dành cho khách du lịch hoặc có nhà vệ sinh nhưng chưa đạt chuẩn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự hài lòng của khách du lịch, làm giảm chất lượng sản phẩm cũng như hình ảnh du lịch Việt Nam.
Vậy nên, để cải thiện hệ thống nhà vệ sinh ở các địa điểm du lịch, không hẳn chỉ trông vào sự đầu tư của địa phương mà còn có thể theo hướng xã hội hóa. Mới đây, Tổng cục Du lịch đã phát động phong trào xã hội hóa nhà vệ sinh dành cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm với khẩu hiệu: “Thoải mái như ở nhà - Comfort as home” nhằm phát huy nguồn lực có sẵn trong xã hội, tạo thuận lợi và nâng cao sự hài lòng của khách du lịch. Phó Giám đốc Công ty Lữ hành TransViet Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, đó là hướng đi cần thiết để huy động được nhiều nguồn lực xã hội cùng làm du lịch. Việc khuyến khích, động viên các khách sạn, nhà hàng, cơ sở mua sắm, nhà dân… mở cửa cho khách sử dụng nhà vệ sinh miễn phí là hoàn toàn khả thi, nhất là khi mô hình này đang thực hiện tốt tại Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Huế với khoảng 630 cơ sở tham gia.
Như vậy có thể thấy, nếu chúng ta huy động được sự vào cuộc của nhiều đơn vị, cá nhân liên quan thì sẽ có nhiều cách để thúc đẩy, cải thiện hệ thống nhà vệ sinh tại nhiều điểm du lịch cộng đồng, đáp ứng sự hài lòng của du khách.