Mỹ muốn rút khỏi WTO: Mối lo ngại với thương mại toàn cầu

Thế giới - Ngày đăng : 06:55, 01/09/2018

(HNM) - Tổng thống Donald Trump lại vừa khiến dư luận toàn cầu xôn xao khi đe dọa sẽ đưa Mỹ rời Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Động thái này nếu xảy ra có thể làm ảnh hưởng tới nền tảng của hệ thống thương mại quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Sau khi rút khỏi nhiều thỏa thuận đa phương, Tổng thống Mỹ D.Trump lại đe dọa sẽ rời WTO.


Ngay từ khi nhậm chức, ông chủ Nhà Trắng đã không ít lần cho rằng, Mỹ đang bị đối xử một cách không công bằng trong thương mại quốc tế, đồng thời chỉ trích WTO đã để điều này xảy ra. Mới tháng trước, Tổng thống D.Trump tuyên bố Mỹ gặp bất lợi lớn vì bị “đối xử rất tồi tệ” bởi WTO trong suốt nhiều năm và định chế có trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ) này cần thay đổi cách thức làm việc. Trong khi đó, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, một nhân vật được xem là "diều hâu" về thương mại trong chính quyền Tổng thống D.Trump từng cho rằng, việc đưa Trung Quốc vào WTO năm 2001 là một sai lầm. Ông R.Lighthizer từ lâu kêu gọi Mỹ có một lập trường cứng rắn hơn với WTO, đồng thời chỉ trích tổ chức này thiếu năng lực trong việc xử lý những nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc. Ông này cũng từng cáo buộc hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO vi phạm chủ quyền của Mỹ, đặc biệt trong các vụ kiện chống bán phá giá. Vì thế, Washington đã ngăn chặn việc bổ nhiệm trọng tài vào bộ phận về kháng cáo của WTO, đặt ra khả năng bộ phận này sẽ không thực hiện được đúng chức năng, nhiệm vụ trong những năm tới.

Thế nhưng, dù liên tục phàn nàn về WTO, chính quyền Tổng thống D.Trump vẫn tiếp tục đâm đơn kiện các quốc gia khác trong khuôn khổ tổ chức này. Mới tuần này, Mỹ đã kiện việc Nga áp thuế quan lên hàng hóa Mỹ. Điều đáng chú ý là, thông thường, trong các vụ kiện ở WTO, nguyên đơn thường thắng và bên bị kiện thường thua. Tuy nhiên, dữ liệu của WTO cho thấy, Mỹ thậm chí thắng kiện nhiều hơn so với mức trung bình trong tổ chức này, cả trong trường hợp Washington là nguyên đơn hay bị đơn. Trong số 54 vụ kiện mà nước này đâm đơn kể từ khi WTO ra đời đến nay, Mỹ thắng kiện 49 lần, tương đương 91%. Còn trong số 80 lần Mỹ bị kiện, nước này chỉ thua 69 lần, tương đương 86%.

Theo nhiều nhà phân tích kinh tế, nguyên nhân sâu xa của việc Mỹ muốn rút khỏi WTO là vì sau hơn hai thập kỷ thành lập, nhiều thực thể kinh tế - chính trị trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức Washington. Thực tế đó làm thay đổi nhiều cơ chế do Mỹ tạo ra và chi phối, qua đó làm ảnh hưởng tới lợi ích của nước này. Nói cụ thể hơn, ông chủ Nhà Trắng muốn WTO phải là cơ chế bảo vệ lợi ích của nước Mỹ. Vì thế, rút khỏi WTO cũng là từ bỏ một cơ chế đa phương nhằm dành sự ưu tiên cho các cơ chế song phương. Đây chính là điều mà Tổng thống D.Trump muốn làm ngay từ khi lên nắm quyền, mà thể hiện rõ nhất là rời khỏi TPP. Trong cơ chế song phương, Mỹ có thể khai thác tốt nhất lợi thế tuyệt đối của mình là sức mạnh cả về chính trị, kinh tế, quân sự - để ép đối phương phải nhượng bộ, từ đó tối đa hóa lợi ích, điều mà trong cơ chế đa phương không dễ gì có được.

Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay, các đời tổng thống Mỹ đều dẫn đầu nỗ lực nhằm xây dựng và củng cố các quy tắc thương mại toàn cầu vì cho rằng điều đó sẽ mang lại sự ổn định cho nền kinh tế thế giới. Do vậy, nếu Mỹ quyết định rời khỏi WTO, sự kiện này sẽ là một “cơn địa chấn” làm suy yếu hệ thống thương mại thế giới, cơ chế mà nhiều chính quyền Mỹ đã giữ vai trò lớn trong việc xây dựng và thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, đó cũng không loại trừ chỉ là "đòn gió" của Tổng thống Mỹ nhằm đòi hỏi những cải cách lớn hơn từ WTO.

Quỳnh Dương