Doanh nghiệp muốn đứng vững phải có sản phẩm tốt

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:51, 01/09/2018

(HNM) - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội” (Khoản 1 Điều 4). Thực tế cho thấy, việc thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập, khiến người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm quyền lợi...

Cơ quan chức năng TP Hà Nội cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày hàng giả - hàng thật tại Hội chợ hàng Việt.


Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội:
Phát huy sức mạnh xã hội

Năm 2018, Sở Công Thương đã đổi mới công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Kết quả từ đầu năm đến nay, 70% doanh nghiệp lớn (tăng 21% so với năm 2017) tham gia tài trợ đồng hành các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng do Sở tổ chức; in phát hơn 20 nghìn tờ rơi và truyền thông trên mạng xã hội nội dung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thu hút 6 triệu lượt người tiếp cận; tiếp nhận giải đáp gần 4 nghìn thông tin hỏi về pháp luật liên quan đến tiêu dùng và tiếp nhận khiếu nại tố cáo của người tiêu dùng chuyển cơ quan chức năng giải quyết. Tuy nhiên, chúng tôi cũng còn gặp khó khăn do chưa nhận được sự phối hợp nhiệt tình của chính quyền cơ sở; kinh phí tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn hạn chế. Do đó, muốn phát huy tốt hơn nữa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần phát huy sức mạnh của toàn xã hội.

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Giảng viên Bộ môn Quản trị thương hiệu Trường Đại học Thương mại Hà Nội:
Đẩy mạnh tuyên truyền các hiệp định thế hệ mới


Hiện nay, Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng hiệu quả còn hạn chế, bất cập, chồng chéo, do tính năng mỗi ngành hoặc quy trình triển khai vẫn còn kiểu mạnh ai nấy làm. Các quy định của pháp luật trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt những hành vi làm hàng giả, hàng nhái quy mô lớn, làm ảnh hưởng hình ảnh quốc gia, nhưng chế tài xử lý còn nhẹ. Trong khi đó, hành vi này ở nhiều nước đã áp dụng biện pháp xử lý mạnh tay nên hiệu quả cao hơn. Theo tôi, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại thế hệ mới, các hiệp định liên minh Á, Âu... là những hiệp định kinh tế đòi hỏi doanh nghiệp muốn có chỗ đứng trước sự hội nhập, nhất định phải có sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt...

Chị Phạm Ánh Tuyết, cán bộ Ban Đầu tư Flamigo Group:
Xuất xứ của hàng hóa nhiều khi không rõ ràng


Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hàng hóa trên thị trường quá đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, điều này cũng khiến người tiêu dùng loay hoay về chất lượng, xuất xứ của hàng hóa nhiều khi không rõ ràng. Nhất là trong bối cảnh “khủng hoảng” về thực phẩm “bẩn”, hàng giả tràn lan như hiện nay, càng khiến người tiêu dùng hoang mang lo lắng. Hiện nay, chủ trương của Nhà nước, Chính phủ về chống hàng giả, ngăn chặn hàng kém chất lượng đã có; nhiều cơ quan chức năng có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tích cực vào cuộc, nhưng tôi nhận thấy hầu hết hoạt động còn “nặng” tính hành chính, chưa đủ sức răn đe, nên nhiều đối tượng vi phạm vẫn ngang nhiên “vượt rào”, khiến người tiêu dùng chưa đủ lòng tin với các sản phẩm.

Thạc sĩ - Luật sư Nguyễn Văn Hà - Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Lan và Cộng sự thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội:
Quy định trách nhiệm xử lý vi phạm cụ thể


Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015 sửa đổi một số điều của Nghị định số 185/2013/CP ngày 15-11-2013 đã quy định rất chi tiết, cụ thể về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời, chưa dứt điểm. Nguyên nhân là chúng ta mới chỉ tập trung vào một số tháng trọng điểm và triển khai theo đợt chứ chưa tập trung giải quyết tận gốc vấn đề; chỉ giao trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn mà chưa giao trách nhiệm trực tiếp cho UBND cấp xã, mức độ xử lý quá thấp, còn phân tán nên việc răn đe, phòng ngừa hạn chế.

Theo tôi, biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thông tin chi tiết rộng rãi sản phẩm của các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật và các doanh nghiệp chấp hành đúng các quy định của pháp luật để người tiêu dùng được quyền lựa chọn; tăng thẩm quyền giải quyết, xử lý các vụ việc cho chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; cần thông tin kịp thời, chính xác với những sản phẩm dịch vụ mà người tiêu dùng khiếu nại, khởi kiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng...

Linh Nhi