Những tác phẩm trong “ánh chớp lửa đạn”

Văn hóa - Ngày đăng : 07:45, 02/09/2018

(HNM) - “Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn” là tên một tập sách ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng - Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.

Công chúng và giới trong nghề tham quan triển lãm. Ảnh: Thụy Du


Còn mãi giá trị

Sau mỗi đợt trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) thường tổ chức công bố tác phẩm của các tác giả được vinh danh. Năm 2016, lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh có 13 tác giả được trao giải, trong đó có 2 tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo và nghệ sĩ nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng. 11 tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước là Bửu Chỉ, Cổ Tấn Long Châu, Lê Lam, Đỗ Sơn, Nguyễn Văn Quế, Nguyễn Bích, Phan Thị Gia Hương (mỹ thuật); Hứa Kiểm, Lâm Tấn Tài, Mầu Hoàng Thiết, Nguyễn Hữu Cấy (nhiếp ảnh).

13 tác giả đều đi qua cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và những sáng tác của họ phần lớn về đề tài chiến tranh cách mạng. Nói như Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Quốc Khánh, nếu tập hợp những sáng tác mỹ thuật, nhiếp ảnh của các tác giả này lại thì đó là cuốn sử nghệ thuật quý giá, sống động về một thời hoa lửa của đất nước. Triển lãm lần này và cuốn vựng tập đi kèm giới thiệu toàn bộ 20 tác phẩm, cụm tác phẩm được trao giải thưởng của các tác giả - một phần nhỏ trích từ cuốn sử ấy.

Tác phẩm “Tượng đài Chiến thắng Quế Sơn” ở Quảng Nam và “Tượng đài Chiến thắng sông Lô” ở Phú Thọ được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo là hai trong những tượng đài do ông sáng tác được xây dựng. Không chỉ sáng tác tượng đài, ông còn có nhiều công trình điêu khắc, tượng tròn thành công. Các tác phẩm “Hội nghị Diên Hồng”, “Trường Sa”, “Trao duyên”… được trưng bày thêm trong triển lãm đã cho công chúng cái nhìn đa chiều về tài năng và những đóng góp của ông trong sự phát triển nghệ thuật điêu khắc nước nhà.

Nhà điêu khắc Phan Thị Gia Hương cũng vậy, tượng đài “Mẹ Tổ quốc” của bà tại Đồng Tháp cho thấy tầm vóc sáng tạo của nữ điêu khắc gia đầu tiên được tặng Giải thưởng Nhà nước. Bà còn có các công trình phù điêu, tượng đài lớn với ngôn ngữ tạo hình độc đáo đã và đang được xây dựng trên cả nước.

Những khoảnh khắc lịch sử mà nghệ sĩ nhiếp ảnh, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng chớp được có giá trị tư liệu lớn. Các tác phẩm “Lửa vây máy bay Mỹ”, “Nữ pháo binh Ngư Thủy”, “Đưa xe tăng vào trận”, “Xốc tới”, “Đánh chiếm cứ điểm 365” của ông khiến hầu hết người tham quan triển lãm xúc động. Hàng loạt tác phẩm từ chiến trường và hậu phương những năm tháng ác liệt của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hứa Kiểm, Lâm Tấn Tài, Mầu Hoàng Thiết và hình ảnh tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh gần nửa thế kỷ trước của nghệ sĩ Nguyễn Hữu Cấy, giúp công chúng cảm nhận chân thực về trang sử vĩ đại của dân tộc.

Do thời gian cùng nhiều biến động khác, bản gốc nhiều tác phẩm hội họa chưa được tập hợp, đưa đến cho công chúng thưởng lãm, mà chỉ có 5 tác phẩm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được giới thiệu dịp này. Tuy nhiên, Ban Tổ chức cũng đã chọn lọc, trưng bày thêm một số tác phẩm gốc của các tác giả này.

Tấm gương sáng cho thế hệ sau

Dù đã ở tuổi 77 nhưng nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo vẫn minh mẫn và tiếp tục sáng tác. Ông nói rằng, triển lãm này mang lại cho ông nhiều cảm xúc. Vui vì được ngắm nhìn lại những tác phẩm của mình, của đồng nghiệp nhưng buồn vì nhiều người bạn, nghệ sĩ đã đi xa.

Họa sĩ Lê Lam lớn tuổi hơn - 87 tuổi, trong buổi chiều khai mạc mưa gió (30-8), vẫn quyết tâm đến triển lãm. Người họa sĩ ấy được nhân dân miền Nam coi như ruột thịt, bởi dù sinh ra và trưởng thành ở Hà Nội, nhưng những sáng tác gần như cả đời của ông là về sự chiến đấu anh dũng của nhân dân miền Nam. Ông chia sẻ: “Chúng tôi đi vào kháng chiến, cầm cọ, cầm máy sáng tác như một lẽ tự nhiên. Có quá nhiều hình ảnh cao đẹp của quân và dân ta xứng đáng được ghi lại, tôn vinh”.

Là “người cầm máy” hôm nay, nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Văn ngắm nhìn kỹ những tác phẩm của thế hệ đi trước, đặc biệt là các tác phẩm nhiếp ảnh chụp trong bom đạn. “Những bức ảnh liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng để lại đủ thấy ông có tố chất nghệ sĩ mạnh mẽ, bởi trong khoảnh khắc cần chớp cực nhanh nhưng bức nào cũng hoàn hảo về bố cục, góc máy, chi tiết”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Văn chia sẻ cảm nhận.

Những tác phẩm có giá trị cả về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, đóng góp cho sự phát triển mỹ thuật, nhiếp ảnh cũng như văn học - nghệ thuật như thế thôi thúc người làm nghề hôm nay tiếp nối, phấn đấu cống hiến. Còn với đông đảo công chúng, một lần nữa trang sử sống động của dân tộc được mở ra trước mắt, có tác dụng giáo dục sâu sắc và nâng cao trình độ thẩm mỹ của người xem.

Yên Nga