Đưa bún kẻ Bặt đi xa
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:58, 02/09/2018
Xưởng sản xuất bún Nguyễn Bính. |
Khởi nghiệp từ gánh bún quê hương
Sinh năm 1970, chị Nguyễn Bính là truyền nhân đời thứ năm của làng bún kẻ Bặt vốn nổi tiếng với câu ca dao "Bánh bún kẻ Bặt, dưa gang kẻ Đình". Thân sinh của chị Bính vốn là thợ làm bún giỏi của làng. Ông sinh được 9 người con, nhưng có 6 người đi theo nghề y, số còn lại chọn đường làm nông, buôn bán thay vì kế nghiệp nghề làm bún.
Chị Bính kể: "Khi còn nhỏ tôi cùng gia đình thức khuya dậy sớm để làm bún thủ công. Tôi phải xóc gạo đến còng lưng, sáng sớm tinh sương phải đạp xe đi hàng chục cây số để bán bún, đổi bún lấy gạo, sau đó mới vội vã chạy về thay quần áo đến lớp học...".
Khi học hết cấp III, chị Bính quyết tâm đi học trung cấp để kiếm một nghề khác, đặng thoát khỏi cảnh lao động quần quật trong lò bún. Chị vào vùng đất Long Thành (tỉnh Đồng Nai) học ngành Cơ khí chế tạo máy. Để rồi khi có tấm bằng trung cấp trong tay, cô gái quê vẫn thất nghiệp, phải theo nhiều nghề để mưu sinh như lao công, giúp việc nhà, bán thịt lợn. Việc kinh doanh chẳng mấy thuận lợi, chị phải nhượng lại sạp thịt rồi tìm đường về quê ôn lại nghề làm bún.
Chị Bính nhớ lại: "Ngày con gái trở về, bố tôi mừng rỡ, liên tục nhắn nhủ "nghề của mình chỉ cần đỏ lửa là có thể nuôi sống cả gia đình nên con cứ quyết tâm giữ nghề con ạ". Và lần này tôi đã mang theo bí quyết của làng bún kẻ Bặt vốn nổi tiếng sợi tròn, trắng trong, dẻo dai, thơm ngon để vào sản xuất tại miền Nam".
Năm 1999, lò bún Nguyễn Bính ở TP Hồ Chí Minh chính thức đỏ lửa. Mẻ bún đầu tiên ra thị trường bị thương nhân trả lại ồ ạt vì sợi bún trắng trong mà không được trắng tinh như các cơ sở sản xuất khác. Không bán được hàng, chị rơi vào nợ nần, mất hết gia sản, trong tay chỉ còn đúng 6 triệu đồng nhưng vẫn cầm cố, vay mượn để tiếp tục sản xuất bún tươi. "Không bỏ cuộc, tôi lại tự mình mang hàng ra chợ bán. Vừa bán vừa tặng nên bún kẻ Bặt truyền thống được nhiều người biết đến hơn", chị Bính kể lại.
Cũng may thời điểm này, cơ quan quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phát hiện hàng loạt cơ sở sản xuất bún sử dụng chất huỳnh quang (tinopal) tẩy trắng bún. Khi ấy, người tiêu dùng mới tìm đến nhiều hơn với sản phẩm bún truyền thống không dùng hóa chất tẩy trắng như cơ sở của chị Bính. Tiếng lành đồn xa, cứ thế doanh thu gánh bún Nguyễn Bính tăng dần.
Để đủ lượng bún cung ứng ra thị trường, chị Bính nghĩ đến việc cải tiến công nghệ. Lúc này, kiến thức học và thực hành ở trường trung cấp chế tạo máy mới được bà chủ gánh bún đưa ra sử dụng. Chị đặt hàng thiết kế lò hơi để làm chín sợi bún thay cho cách làm truyền thống. Sau năm lần thử nghiệm, lò bún của chị Bính trở thành cơ sở đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh đưa lò hơi vào sản xuất bún.
Từ hộ kinh doanh, đến năm 2004 chị chính thức thành lập Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Nguyễn Bính, do chị làm Giám đốc, để dễ dàng đưa sản phẩm vào các kênh phân phối như trường học, siêu thị, hệ thống cửa hàng. Từ đây, những chuyến hàng nóng hổi mang thương hiệu bún Nguyễn Bính được giao đi khắp TP Hồ Chí Minh. Sau đó, chị đã đưa vào sử dụng dây chuyền sản xuất bún tự động, khối lượng bún thành phẩm ra thị trường nhiều hơn, công nhân sản xuất cũng đỡ vất vả.
Để phát huy hết công suất dây chuyền, chị Bính còn sản xuất thêm các mặt hàng khác như bánh canh, phở, bánh ướt, mì quảng. Từ gánh bún lụp xụp ban đầu, chị đã xây dựng được nhà xưởng diện tích 350m2, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 50 công nhân. Dây chuyền sản xuất bún hoạt động liên tục, công nhân phải chia 3 ca làm việc mới đủ hàng cung cấp cho thị trường.
Ước mơ xuất khẩu bún sạch
Sau 17 năm gây dựng cơ sở sản xuất bún ở TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Bính nghĩ đến việc đưa gánh bún quê hương ra thị trường thế giới. Chị Bính cho biết: "Cách đây vài năm, tôi có tham dự chuyến đi cùng các doanh nhân Việt Nam sang Thái Lan tìm hiểu về công nghệ chế biến các sản phẩm từ tinh bột. Sau chuyến đi ấy tôi luôn đau đáu, tại sao người Thái Lan lại có thể xuất khẩu bún tươi sang Mỹ và một số thị trường khác, còn Việt Nam nổi tiếng với nghề bún truyền thống lại rất ít doanh nghiệp đủ điều kiện để xuất khẩu?".
Qua tìm hiểu, chị Bính được biết nguyên nhân là do công nghệ chưa đáp ứng và gạo chưa đủ tiêu chuẩn an toàn để được phép nhập khẩu vào Mỹ. Vì vậy, chị tìm về Bến Tre, gặp gỡ nông dân trồng lúa và đặt hàng sản xuất gạo sạch. Sau đó, chị vay ngân hàng 16 tỷ đồng để mua đất chuẩn bị cho việc xây nhà máy. Chị Bính nhẩm tính: "Nếu muốn xây dựng được một nhà máy sản xuất các sản phẩm từ tinh bột gạo đạt chuẩn châu Âu, tôi phải tốn khoảng 30-40 tỷ đồng tiền xây dựng chưa kể trang thiết bị, máy móc. Ngoài ra, tôi cần thêm 100 tỷ đồng cho bộ máy điều hành, phần mềm, quản lý, xe cộ, marketing, nhân viên".
Trước đây, có nhà đầu tư Thái Lan định giá công ty 100 tỷ đồng và muốn đầu tư đổi lấy 49% cổ phần nhưng chị Bính từ chối vì muốn giữ công ty và thương hiệu bún Việt Nam. Khi biết đến chương trình "Thương vụ bạc tỷ" trên truyền hình, chị liền đăng ký để tìm nhà đầu tư người Việt. "Lên truyền hình kêu gọi vốn bất thành, nên tôi sẽ tự mình thực hiện. Có điều, có nhà đầu tư rót tiền thì tôi sẽ sớm xây dựng được nhà máy. Nếu đi một mình ít nhất tôi phải mất 5 năm nữa", chị Bính khẳng định.
Mọi "đường đi nước bước" chị đã có kế hoạch rõ ràng, nhưng chị lo nhất là đào tạo lao động sản xuất nghề bún. Dù đã có dây chuyền sản xuất nhưng theo chị Bính, công nhân làm ở xưởng bún vẫn vất vả hơn các ngành nghề khác. Họ phải làm việc thường xuyên, nhất là vào những ngày cuối tuần sản lượng bún sản xuất tăng gấp 2-3 lần ngày thường và mỗi năm chỉ nghỉ đúng ngày mùng Một Tết.
Chặng đường đưa sợi bún kẻ Bặt đi ra thế giới của chị Bính có thể còn dài, đầy gian nan vất vả, nhưng người phụ nữ tay trắng đi lên từ thời “buôn thúng, bán mẹt” vẫn đầy quyết tâm và hoài bão với ước mơ xuất khẩu bún sạch. Chị cũng đặt hết tâm nguyện vào người con trai Nguyễn Thái Minh Tú, hiện đang theo học chuyên ngành chế biến thực phẩm tại Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh. Chị nuôi hy vọng, cậu con trai sẽ là truyền nhân đời thứ sáu của làng bún kẻ Bặt tại phương Nam.