Đá Chông còn ấm hơi Người
Chính trị - Ngày đăng : 06:33, 02/09/2018
Du khách trong và ngoài nước thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông. Ảnh: Thái Hiền |
“Địa chỉ đỏ”
Giữa cảnh vật tĩnh lặng, không gian thiêng liêng của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (thuộc địa bàn xã Minh Quang, huyện Ba Vì, TP Hà Nội), được nghe lời kể xúc động, lôi cuốn của hướng dẫn viên, mỗi người đến đây đều thấy lòng mình lắng lại. Hướng dẫn viên, Trung úy Trần Thị Doan, Đoàn 285, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giọng trầm lắng: “Nơi đây, vào tháng 5-1957, trong một lần đến thăm Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 diễn tập, Bác Hồ và các đồng chí trong đoàn đã dừng chân nghỉ ăn cơm nắm với muối vừng. Thấy phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí trong đoàn muốn chọn nơi đây làm căn cứ của Trung ương, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc…”. Cứ thế, lời giới thiệu của hướng dẫn viên đã “dẫn” khách tham quan đi từ điểm đầu đến điểm cuối của di tích…
Ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (còn gọi là Khu di tích K9), từng hình ảnh, từng hiện vật đều gắn với hình bóng của Người cùng nhiều câu chuyện giàu cảm xúc trong những năm tháng Bác sống tại đây. Đó là ngôi nhà 2 tầng được thiết kế phỏng theo kiểu nhà sàn của Bác ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngôi nhà phục vụ, vườn cây, khu nhà khách...
Đặc biệt, sau khi Bác mất, Đá Chông tiếp tục được Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương chọn là nơi giữ gìn thi hài Bác trong giai đoạn 1969-1975. Dẫn khách đi tham quan ngôi nhà sàn, hướng dẫn viên Trần Thị Doan chia sẻ: Ngôi nhà được Bác chỉnh sửa thiết kế và chọn hướng, được khởi công xây dựng vào tháng 5-1958, hoàn thành vào tháng 3-1960. Ngôi nhà nhìn về hướng Nam, xung quanh có nhiều cây cổ thụ râm mát. Con đường sỏi xung quanh nhà sàn là nơi Bác rèn luyện thể dục mỗi ngày…”.
Với 6 lần đón, tiễn Bác, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông ngày nay là “địa chỉ đỏ” để giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho nhiều người dân trong cả nước khi đến đây. Bà Lê Thị Hà, đến từ huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, cho biết: “Hơn 40 năm Bác rời xa nơi này nhưng qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên, tôi cảm nhận Đá Chông vẫn còn hơi ấm của Người”. Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Cẩm Yên (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đức Đam chia sẻ: Về thăm Khu di tích nhân dịp 2-9, Hội Người cao tuổi xã chúng tôi càng hiểu hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác và nguyện sẽ tiếp tục phấn đấu học tập, làm theo tấm gương của Người”.
Gìn giữ cho muôn đời sau
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông rộng 234ha đang được cán bộ, chiến sĩ Đoàn 285, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý, gìn giữ. Những con đường sạch sẽ, những hàng cây được cắt tỉa công phu, hiện vật được bảo quản cẩn thận đã chứng tỏ sự chu đáo của cán bộ, chiến sĩ được giao trọng trách đặc biệt ý nghĩa này. Việc mở rộng phạm vi đón tiếp đồng bào trong nước, khách quốc tế đến tham quan, dâng hương, tưởng niệm Bác đã đặt ra yêu cầu cao hơn trong nhiệm vụ đón tiếp, phục vụ của Đoàn 285.
Thượng tá Đỗ Hoàng Việt, Chính ủy Đoàn 285 cho biết: “Xác định đón tiếp khách đến với Khu di tích là dịp để tuyên truyền giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho các thế hệ người Việt Nam, Chỉ huy Đoàn 285 thường xuyên quán triệt, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị; bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp, thái độ, phong cách cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác đón tiếp, hướng dẫn viên”.
Nhiệm vụ chính hằng ngày của Thiếu tá Nguyễn Minh Đoan, Tổ trưởng Tổ Đón tiếp, tuyên truyền của Đội Quản lý di tích, Đoàn 285 là đón tiếp, hướng dẫn đồng bào, đồng chí, khách quốc tế đến dâng hương tưởng niệm Bác Hồ. Vì vậy, anh cùng đồng đội luôn thực hiện nghiêm các quy định của Khu di tích và của quân đội theo tinh thần tận tình, chu đáo, ân cần, trọng thị.
Anh tâm sự: “Mỗi cán bộ, nhân viên đều xác định rõ trách nhiệm, không ngại khó khăn, liên tục trau dồi học tập để nâng cao kiến thức, trình độ. Chúng tôi thường xuyên tìm hiểu tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp và thân thế của Bác để hoàn thành nhiệm vụ được tốt hơn. Cũng từ đây, mỗi người đều thấy mình ngày càng hoàn thiện hơn, thấy việc mình làm rất có ý nghĩa”.
Còn Trung úy Trần Thị Doan chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, mỗi cử chỉ, hành động, tác phong của người hướng dẫn viên, người làm công tác đón tiếp tại Khu di tích sẽ đóng góp một phần để lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Vì vậy, ai cũng làm việc bằng lòng nhiệt tình, bằng trái tim kính yêu Bác. Chúng tôi hy vọng, những việc làm của mình sẽ góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Với những giá trị sâu sắc, nơi lưu nhiều dấu ấn của Bác Hồ, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông không chỉ là điểm đến tham quan, tưởng niệm Bác của người dân cả nước mà còn của nhiều đoàn khách quốc tế. Những năm gần đây, nhiều cơ quan, đơn vị còn chọn nơi đây để tổ chức sinh hoạt chính trị như báo công dâng Bác, trao Huy hiệu Đảng, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn... Những hoạt động này góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, giữ gìn, lan tỏa tư tưởng, giá trị đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.