Phó Thủ tướng yêu cầu đề xuất biện pháp quản lý Alipay, Wechat pay
Kinh tế - Ngày đăng : 21:25, 04/09/2018
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đề xuất các giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nội dung quản lý thuế đối với hoạt động thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các sở du lịch tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các doanh nghiệp lữ hành để sớm phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, bao gồm cả biện pháp thu hồi giấy phép hoạt động; làm đầu mối xây dựng quy chế phối hợp thông tin giữa các bộ, ngành để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh du lịch, đặc biệt là du lịch giá rẻ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Tổng cục Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành trong nước.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ, viễn thông… để đề xuất các biện pháp quản lý đối với hoạt động thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua POS, ví điện tử Alipay, Wechat pay, những ví điện tử phổ biến và được ưa chuộng đối với khách du lịch; nghiên cứu xây dựng chính sách để các ngân hàng thương mại Việt Nam cung cấp các hoạt động thanh toán qua ví điện tử thay vì các đối tượng bán hàng cung cấp bất hợp pháp như hiện nay.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ cho du khách nước ngoài, xử lý nghiêm các sai phạm về thanh toán bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam.
Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Quản lý thị trường và các đơn vị trực thuộc ở địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trung tâm mua sắm, các cửa hàng bán hàng cho khách du lịch về việc thực hiện các quy định về niêm yết nguồn gốc xuất xứ, giá cả, đơn vị định lượng của hàng hóa. Trường hợp phát hiện vi phạm thì xử lý, tịch thu hàng hóa, xử phạt theo quy định hiện hành; chuyển hồ sơ sang cơ quan công an trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Bộ Công an chỉ đạo cơ quan an ninh quản lý xuất nhập cảnh, công an địa phương quản lý chặt chẽ để ngăn chặn, trục xuất các trường hợp lao động chui, lợi dụng visa du lịch vào Việt Nam để ở lại kinh doanh, làm hướng dẫn viên bất hợp pháp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá toàn diện về tình trạng du lịch 0 đồng trên phạm vi toàn quốc và các tác động đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội, an ninh trật tự; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay.
Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền trên phạm vi toàn quốc, không để lợi dụng thông tin về các đoàn khách du lịch làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng và các địa phương xuất hiện nhiều đoàn khách du lịch chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Đà Nẵng và các địa phương liên quan phối hợp cùng với các cơ quan quản lý chuyên ngành trong công tác theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp sau đăng ký thành lập; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền.
Các bộ, ngành địa phương tăng cường kiểm tra liên ngành đối với việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành có liên quan đến tình trạng du lịch 0 đồng, các trung tâm mua sắm, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, khách sạn, nhà hàng cho khách du lịch để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý nếu xảy ra vi phạm; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp kiểm tra, xử lý và công khai kết quả xử lý tại các điểm kinh doanh vi phạm.
Các Bộ, ngành, địa phương chủ động cung cấp các thông tin cụ thể, ngắn gọn, kịp thời, chính xác về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, thanh toán không bằng tiền mặt… để Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền hiệu quả.